|
|||
Báo cáo tại Hội nghị, ông Hồ Ngọc Luật – Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương cho biết những kết quả đạt được trong việc thực hiện các nội dung trong chương trình phối hợp. Theo đó Bộ KH&CN đã triển khai các nội dung trọng yếu có tính đột phá cho tỉnh Quảng Ninh như: ưu tiên việc xây dựng chính sách đặc thù, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để Quảng Ninh trở thành mô hình tiên tiến về phát triển KH&CN; Tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu mở rộng thị trường, xúc tiến đầu tư; Đầu tư nâng cao tiềm lực cho các tổ chức KH&CN; Ứng dụng KH&CN tiên tiến vào xử lý các vấn đề môi trường của tỉnh; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động KH&CN; Hoàn thiện hệ thống thông tin về KH&CN trên địa bàn tỉnh,… Đặc biệt sau khi Chương trình phối hợp được ký kết, được sự giúp đỡ của Bộ KH&CN, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách để phát triển KH&CN, ngày 18/10/2011, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 20/NQ – HĐND dành 4 -5% chi thường xuyên từ ngân sách tỉnh đầu tư cho hoạt động KH&CN, trong đó ưu tiên cho hoạt động chuyển giao ứng dụng cho các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Giai đoạn 2011-2014, Bộ KH&CN đã phê duyệt cho tỉnh Quảng Ninh triển khai 13 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi. Đây được coi là một trong những nội dung đạt kết quả rõ nét, các dự án thuộc lĩnh vực này đã giúp Quảng Ninh tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ mới để chủ động sản xuất các loại cây, giống cây trồng sạch bệnh, phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương. Nhiều dự án có sức lan tỏa lớn, thu hút sự vào cuộc cùng đầu tư của doanh nghiệp và người dân, tạo ra sản phẩm hàng hóa thúc đẩy sản xuất phát triển. Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Quảng Ninh cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Bộ KH&CN trong thời gian qua. Đồng thời cho rằng sự giúp đỡ chia sẻ và tháo gỡ khó khăn trong tài chính, tiếp cận KH&CN của Bộ KH&CN dành cho địa phương đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng như đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh Quảng Ninh cũng mong muốn trong thời gian tới Bộ KH&CN quan tâm giúp đỡ tỉnh ở các lĩnh vực như: đầu tư phát triển khu công nghệ cao và vườn ươm công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm (nông nghiệp, thủy sản, y dược), xử lý chất thải, chuyển giao nguồn gen quý, tích hợp, quảng bá sản phẩm, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, thành lập trung tâm ứng phó bức xạ, quan trắc phóng xạ, ban hành các cơ chế chính sách phát triển KH&CN,… Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đánh giá cao và cảm ơn Lãnh đạo, Sở, ban ngành tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động KH&CN. Bộ trưởng bày tỏ, trong các tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp, Bộ KH&CN rất ấn tượng với Quảng Ninh, không chỉ Quảng Ninh là một tỉnh lớn, mà lãnh đạo Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến phát triển KH&CN, Quảng Ninh đã dành tỷ lệ rất cao chi thường xuyên từ ngân sách tỉnh đầu tư cho hoạt động KH&CN. Bộ KH&CN coi đây là một hình mẫu và hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều địa phương làm được như Quảng Ninh. Bộ trưởng nhấn mạnh, những kiến nghị, đề xuất của tỉnh nêu trên được coi là đặt hàng đối với Bộ KH&CN. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ cần bám sát, khẩn trương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao, đồng thời phối hợp, hỗ trợ để Quảng Ninh triển khai thực hiện. Tin, ảnh: Diệu Huyền |