|
|||
Tạo vùng nguyên liệu tại địa phương Mắc ca được trồng nhiều ở Úc, Thái Lan, Trung Quốc… Nhân quả mắc ca được đánh giá là loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng đứng đầu trong các loại hạt, được sử dụng làm bánh kẹo cao cấp, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Ngoài ra, vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn. Trung bình, 1ha mắc ca trồng khoảng 360 cây, đến thời điểm 7 năm tuổi có thể thu hoạch. Đến năm thứ 9, 1ha cho thu 5 tấn. Với giá chỉ cần từ 100.000-120.000 đ/kg, trừ chi phí đi đã thu được trên dưới 600 triệu đồng. Trước năm 2006, cây mắc ca được nhập khẩu về Sơn La qua một số doanh nghiệp trung gian trong nước. Doanh nghiệp và người dân muốn mua cây giống phải phụ thuộc vào nhà cung cấp, dẫn đến việc đẩy giá thành lên cao, có thời điểm giá bán cây mắc ca giống từ 150.000-200.000/cây. Năm 2012, Nguyên thứ trưởng Bộ KHC&N Nguyễn Văn Lạng cùng Đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát tại tỉnh Sơn La. Nhận thấy cây mắc ca trồng tại Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh (TTGDLĐ) phát triển tốt, đã kiến nghị với UBND và Sở KH&CN tỉnh Sơn La xây dựng một dự án phát triển, nhân giống cây bằng phương pháp giâm hom, ghép cây và trồng thâm canh cây mắc ca phục vụ phát triển kinh tế địa phương và cung cấp cây giống cho thị trường trong nước. Ông Đào Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Sơn La, Giám đốc TTGDLĐ tỉnh Sơn La, Chủ nhiệm Dự án “Xây dựng mô hình nhân giống và trồng thâm canh cây Maccadamia tại Sơn La”, cho biết: Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng mô hình nhân giống cây mắc ca bằng phương pháp ghép cành tại TTGDLĐ với diện tích 5000m2, công suất 20.000 cây giống/năm. Qua đó cung cấp giống đạt tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật trồng thâm canh cây mắc ca, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân tỉnh Sơn La. Cũng theo ông Hạnh, khi thực hiện dự án đã nhận chuyển giao công nghệ từ Trung tâm Khoa học sản xuất Lâm nghiệp vùng Tây Bắc và Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Tây Bắc với 5 quy trình, gồm: Quy trình tạo cây con làm gốc ghép; quy trình chăm sóc cây con làm gốc ghép; quy trình trồng cây; quy trình chăm sóc và quy trình ghép cây mắc ca. Sau khi tiếp nhận, dự án đã tiến hành mở 5 lớp đào tạo tập huấn kỹ thuật cho 25 lượt kỹ thuật viên, 150 lượt học viên. Nội dung đào tạo tập huấn về kỹ thuật tạo cây con làm gốc ghép, chăm sóc cây con làm gốc ghép; kỹ thuật trồng cây mắc ca thâm canh; kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca và kỹ thuật ghép cây. Các kỹ thuật viên và các học viên đã nắm được những nội dung trong 5 quy trình và đã tiến hành áp dụng vào thực tế để tạo ra được trên 20.000 cây con/năm làm gốc ghép sinh trưởng. Sẽ trở thành cây xóa nghèo cho người dân tỉnh Sơn La Sau gần 3 năm, trải qua các lần thực nghiệm, bình tuyển và lựa chọn cây trội với 4 dòng mắc ca: OC, 849, 816, 246. Cuối năm 2012, TTGDLĐ tỉnh Sơn La đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật. Đến nay, dự án đã xây dựng được 5000m2 mô hình vườn ươm nhân giống, 5000m2 mô hình vườn cây đầu dòng và 10ha mô hình vườn trồng thâm canh cây mắc ca. Đã tiến hành ươm tạo 20.000 cây, ghép 7000 cây và hiện tại, các cây đều sinh trưởng, phát triển theo quy trình, quanh năm không rụng lá. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc dễ dàng, cây ra hoa, đạt kết quả tốt, phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu của Sơn La. Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La cho biết, hàng năm Sở KH&CN tỉnh phối hợp với Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi, tiến hành kiểm tra các bước theo các quy trình đăng ký thực hiện trong dự án. Đơn vị chủ trì dự án và đơn vị chuyển giao công nghệ đã phối hợp chặt chẽ, bám sát kế hoạch đã được phê duyệt để triển khai, hoàn thành toàn bộ khối lượng và đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án đã được phê duyệt. Đội ngũ kỹ sư và học viên tại TTGDLĐ sau khi tiếp nhận các quy trình được chuyển giao của Dự án đã tiến hành ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đảm bảo cây giống mắc ca phát triển tốt. Cây giống thuộc dự án qua gần 3 năm thực hiện theo quy trình đã mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện tại, cây mắc ca giống sau khi được ươm tạo, chăm sóc và ghép cây thuộc dự án được bán với giá từ 20.000-90.000 đồng/cây. Bên cạnh đó, nếu trồng xen cà phê và mắc ca sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. “Phương pháp trồng xen cà phê và mắc ca đã được kiểm chứng cho thấy có thể nhanh chóng nhân rộng diện tích mắc ca lên con số hàng trăm ngàn héc ta mà không cần tốn thêm đất trồng trọt. Mắc ca cũng trở thành cây tạo bóng mát cho cà phê và giúp cân đối thu nhập cho nông dân khi giá cà phê biến động như những năm vừa qua. Ngoài ra, qua thực tế trồng xen như vậy có thể bảo vệ cho cây cà phê trước sương muối trong mùa đông”, ông Hạnh cho biết. Bài, ảnh: Bùi Hiếu
|