|
|||
Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm về việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, đặc biệt là việc ứng dụng các công nghệ cao để phát triển bền vững nông nghiệp của vùng Tây Nguyên nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng với sự có mặt của nhiều nhà khoa học nổi tiếng, đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và quốc tế. Trong những năm qua, KH&CN tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những tiến bộ về KH&CN được áp dụng trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh, qua đó đã đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng cao của công nghiệp tỉnh trong thời gian qua, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ trong GDP. Các đề tài về môi trường, tài nguyên khoáng sản cũng đóng góp nguồn tư liệu quý trong việc đánh giá các nguy cơ về tai biến địa chất, cân bằng hệ sinh thái…, các nghiên cứu sâu về giáo dục, văn hóa, du lịch, quản lý, kinh tế, chính sách đặc biệt cho vùng đồng bào dân tộc được triển khai khá thiết thực. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh khẳng định: Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện tổ chức lại sản xuất, khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tạo cơ sở cho nông dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn; thúc đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành nên một bộ phận doanh nghiệp và nông dân làm giàu nhờ sản xuất nông nghiệp. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về những nội dung quan trọng Luật KH&CN năm 2013, đặc biệt là chính sách mới về đầu tư, cơ chế tài chính cho KH&CN, chính sách trọng dụng và sử dụng cán bộ khoa học. Hội thảo Quốc tế Hợp tác KH&CN và phát triển bền vững nông nghiệp Lâm Đồng – Tây Nguyên 2014 là hoạt động nằm trong Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên I,II,III), nhằm hỗ trợ Tây Nguyên phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có hàm lượng khoa học cao, thu hút được đầu tư doanh nghiệp; quản lý tài nguyên, hạn chế suy thoái môi trường bằng các công nghệ hiện đại và quản lý xã hội, tăng lao động, việc làm, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình tổ chức xã hội văn minh hiện đại. Ánh Tuyết
|