Bản in
Nhiều hạn chế trong chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp, địa phương
Theo kết quả khảo sát nhằm nắm bắt thực trạng nhu cầu công nghệ trong các doanh nghiệp do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) tiến hành, phần lớn doanh nghiệp và địa phương hiện nay đều đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, hoạt động chuyển giao công nghệ còn hạn chế, lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp còn yếu…

Thiếu sản phẩm chất lượng cao

Kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, mức đầu tư cho đổi mới thiết bị - công nghệ của doanh nghiệp chỉ chiếm 3% doanh thu cả năm. Đa số các doanh nghiệp sử dụng công nghệ của những năm 80 của thế kỷ trước, 69% doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên vật liệu và 52% phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ nhập khẩu. Số cán bộ có kỹ thuật chuyên môn phù hợp cũng chỉ đạt mức 7%.

Thực tế trên cho thấy công nghệ trong nước hiện nay chưa hoàn thiện để có thể sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao. Ví dụ như trong công nghệ đúc, dù các doanh nghiệp trong nước đã có khả năng đúc được tất cả các loại thép tốt nhưng hầu hết chưa trang bị thiết bị kiểm tra nhiệt độ kim loại lỏng, thiết bị điều khiển tự động nhiệt độ nước kim loại lỏng, không khống chế được nhiệt độ hợp lý khi rót kim loại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng vật đúc. Thiết bị phân tích - kiểm tra không giúp giảm phế phẩm mà chỉ giảm lượng hàng bị trả về, công nghệ mới, nếu thiết kế chưa tốt (theo thống kê, 90% khuyết tật đúc có nguyên nhân từ lỗi thiết kế) thì năng suất tăng chỉ làm… tăng thiệt hại. Một ví dụ khác, đối với lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và đòi hỏi hàm lượng công nghệ lớn là gia công cơ khí chính xác: Hầu hết các công ty cơ khí chế tạo đều được trang bị các loại máy mài như máy mài tròn ngoài, máy mài lỗ, máy mài mặt phẳng, một số ít công ty có thêm máy mài trục khuỷu, máy mài trục cam, máy đánh bóng. Nhưng, vấn đề là tất cả các loại máy mài có mặt tại Việt Nam (đến vài nghìn chiếc) đều thuộc thế hệ cũ, không có thiết bị tự động đo kiểm tra trên máy, độ chính xác về kích thước của chi tiết được mài hoàn toàn phụ thuộc vào người công nhân nên rất khó đạt được độ ổn định khi mài.

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và đã tiến hành đầu tư để đổi mới công nghệ, hoặc đang xây dựng dự án đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 30% doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, chưa có chiến lược phát triển hoặc chưa định hướng được phương thức - hướng đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp. Phần lớn các dự án đầu tư có kinh phí dưới 10 tỷ đồng, trình độ công nghệ đạt được của thiết bị mang tính chất cải tiến, hoàn thiện công nghệ có sẵn là chủ yếu. Có ít dự án đầu tư công nghệ mang tính đổi mới, nâng cao hẳn trình độ công nghệ.

Bên cạnh đó, nguồn thông tin về thiết bị công nghệ, công nghệ của các doanh nghiệp còn thiếu và điều này gây khó khăn cho việc xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vẫn chưa tin tưởng vào thiết bị và công nghệ do các tổ chức trong nước cung cấp, vì cho rằng chúng không bảo đảm chất lượng và hoạt động hậu mãi kém.

Cần thêm động lực hấp thụ

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp năm 2012, hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ chủ yếu do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện, chiếm khoảng 70%, chỉ có 28% chuyển giao công nghệ do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện. Điều này chứng tỏ rằng, sự lan tỏa công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước là một yếu tố quan trọng trong chuyển giao công nghệ nói chung, thay vì chỉ từ doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, lý do quan trọng là khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong nước còn thấp. Bởi thế, ngay cả khi doanh nghiệp FDI mang công nghệ vào Việt Nam nhưng doanh nghiệp trong nước không có năng lực hấp thụ thì việc chuyển giao công nghệ cũng không xảy ra.

Những nghiên cứu, khảo sát của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cũng cho thấy, ở các địa phương, nhu cầu về công nghệ của các doanh nghiệp hiện hữu ở nhiều lĩnh vực như giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; công nghệ sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; công nghệ xử lý môi trường vùng nông thôn, phòng chống bão lụt, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ xử lý môi trường, công nghệ vật liệu xây dựng. Như vậy, có thể nói, nhu cầu về ứng dụng, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp là rất lớn, vấn đề là cần lựa chọn các công nghệ phù hợp. Xét về công nghệ mới, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp bên ngoài là nguồn cung quan trọng, nhưng đó không phải là nguồn cung duy nhất. Do đó, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần tìm cách để các doanh nghiệp trong nước có thể hợp tác chuyển giao những công nghệ thích hợp.