|
|||
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh sự cần thiết áp dụng cơ chế đặc thù, thí điểm, cùng việc tăng cường liên kết vùng để giải quyết các thách thức thực tiễn. Sự kiện ghi dấu bước tiến quan trọng với sự ra mắt Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong và các sáng kiến đột phá, mở đường cho một tương lai kinh tế xanh dựa trên nền tảng KH&CN tại ĐBSCL.
Diễn đàn khởi nghiệp thúc đẩy các giải pháp phát triển bền vững
“Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển” là chủ đề của Diễn đàn năm nay, nhằm hướng đến mục tiêu hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy hành động của hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về phát triển ĐBSCL "phát triển bền vững, ĐMST, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên, đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng”.
Toàn cảnh Diễn dàn.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, Diễn đàn được tổ chức nhằm tập trung thảo luận hai “bài toán khó”: Xu hướng, mô hình và giải pháp mới để phát triển kinh tế xanh, bền vững tại ĐBSCL; Thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo gắn với định hướng xanh hóa nền kinh tế.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa công bố thông điệp của Diễn đàn.
Diễn đàn với sự cộng hưởng của sáng kiến hình thành Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong sẽ được duy trì, phát triển trở thành nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với ĐMST để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh trên địa bàn.
Thông qua Diễn đàn, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Vùng đã phát triển lên một tầm cao mới trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng KH,CN và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy sự ra đời các mô hình kinh tế mới hiệu quả, thiết thực.
Các hoạt động của Diễn đàn và Mạng lưới sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối nguồn lực và thị trường thời gian tới để hỗ trợ phát triển những mô hình, sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ, dịch vụ hỗ trợ của khu vực; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thu hút được đa dạng nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, vị thế của các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao cách làm sáng tạo, có tính kế thừa và mục tiêu rõ ràng của Diễn đàn, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đây không chỉ là minh chứng cho sự thành công mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Diễn đàn.
Đặc biệt, Diễn đàn đã đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là sự ra mắt Mạng lưới Chuyển đổi Xanh Mekong - một sáng kiến hợp tác công - tư nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế khu vực.
Để hiện thực hóa các ý tưởng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL tập trung vào một số định hướng trọng tâm: tích cực nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù, thí nghiệm, thử nghiệm, đồng thời gắn kết các cơ chế này với các chương trình, dự án lớn đã và đang triển khai tại khu vực nhằm tích hợp năng lực ĐMST vào các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và quốc gia.
Cần nhận diện và tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp và ĐMST theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN; thực hiện các giải pháp cải tiến nhằm nâng cao chỉ số ĐMST (PII) của từng địa phương.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tăng cường liên kết vùng, đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN thông qua phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách. Huy động các trường, viện nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn của khu vực; nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ KH&CN đang xây dựng dự thảo Luật KH,CN&ĐMST và các quyết định liên quan, tập trung vào các cơ chế chính sách đột phá nhằm thúc đẩy hệ sinh thái doanh nghiệp sáng tạo. Đồng thời, Bộ đã ban hành Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, các địa phương cần tích cực tham gia để tận dụng nguồn lực, đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế xanh của khu vực, Bộ trưởng cho biết thêm.
Loạt giải pháp đột phá, kích hoạt năng lực ĐMST Vùng
Tại phiên toàn thể, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra loạt giải pháp đột phá, nhằm kích hoạt năng lực ĐMST, cộng hợp nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong khu vực đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức.
Ông Peter Johnson, chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) nhấn mạnh rằng, xu hướng toàn cầu và các giải pháp thích ứng là nguồn cảm hứng quan trọng để đổi mới trong nông nghiệp xanh. Theo ông, hệ thống sản xuất thực phẩm hiện chiếm khoảng 1/3 lượng phát thải toàn cầu, trong khi nông nghiệp, công nghiệp gây thoái hóa đất, phá rừng và mất đa dạng sinh học.
Ông cũng chỉ ra những khoảng trống chính sách khiến việc chuyển đổi sang kinh tế xanh còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể như: “Nông nghiệp chính xác với sự hỗ trợ của hệ thống giám sát, phân tích dữ liệu và hạ tầng hiện đại; Chuyển đổi phụ phẩm thực phẩm thành năng lượng hoặc các sản phẩm khác để tăng giá trị; Ứng dụng công nghệ AI, IoT và phân tích dữ liệu nhằm giám sát đất, đánh giá sức khỏe cây trồng và quản lý nước".
Trong lĩnh vực du lịch xanh, ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Rustic Hospitality, chuyên gia ĐMSTcủa Helvetas (Thụy Sĩ), nhấn mạnh: Tăng cường hợp tác công - tư cần tạo môi trường để cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và startup phối hợp triển khai các sáng kiến, sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để quản lý và nâng cao trải nghiệm du lịch xanh; chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính cần đẩy mạnh các gói hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào du lịch xanh; giáo dục người dân địa phương và du khách về lợi ích bền vững của du lịch xanh.
Giáo sư Phan Văn Trường, chuyên gia đàm phán quốc tế, kêu gọi gắn kết các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa vào mô hình kinh tế xanh và nhấn mạnh vai trò của tham tán thương mại trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm và mở rộng thị trường cho startup. Giáo sư cũng đề xuất Chính phủ cần xây dựng hệ thống cung cấp đầy đủ dữ liệu về doanh nghiệp và sản phẩm địa phương, giúp kết nối hiệu quả với thị trường quốc tế. Ông cũng chỉ ra rằng, truyền thống gia đình và văn hóa miền Tây Nam Bộ đôi khi là rào cản trong việc tiếp cận bạn bè quốc tế. Việc kết nối truyền thống với kỳ vọng thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp địa phương tạo ra sản phẩm và dịch vụ phù hợp nhu cầu khách hàng quốc tế.
Về vấn đề giảm phát thải carbon, phát triển startup lớn, ông Vũ Chí Công, Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon (thuộc Tập đoàn VinaCapital), đã đề xuất những yếu tố quan trọng, cụ thể: “Đẩy mạnh phát triển các quy định về thị trường carbon, xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến tín chỉ carbon, dự án rừng và sử dụng đất. Khuyến khích các startup lớn, lâu dài và bền vững với tư duy “nghĩ lớn, làm lớn”. Ngoài ra, ông Công còn nhận định, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn là để gia tăng nguồn lực phát triển kinh tế xanh.
Theo các đại biểu, ĐBSCL cần ưu tiên đào tạo đội ngũ nhân lực có hiểu biết và kỹ năng về chuyển đổi xanh. Đây là yếu tố then chốt để thúc đẩy không chỉ ngành du lịch mà còn nhiều ngành kinh tế khác.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (bên phải) và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong trao giải nhất cuộc thi Sáng kiến Mekong.
Tại Diễn đàn đã ra mắt Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong
Dịp này, Ban Tổ chức Diễn đàn trao 10 giải thưởng Cuộc thi sáng kiến Mekong năm 2024; tổ chức ra mắt Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong.
Trước đó, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cùng các đại biểu đã tham quan các gian hàng triển lãm cùng các gian hàng trưng bày những sản phẩm mang đặc trưng của vùng đất Đồng Tháp như: khăn, ống hút làm từ sen, củ sen sấy, công nghệ sấy lạnh; các gian hàng công nghệ được trưng bày tại Diễn đàn…
Bài, ảnh: PV |