Bản in
Xây dựng tỉnh Bình Định thành trung tâm KH,CN&ĐMST
Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với UBND tỉnh Bình Định chiều ngày 19/7/2024, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Tuy nhiên, còn có nhiều việc cần làm để thực hiện được mục tiêu xây dựng và phát triển nơi đây thành “trung tâm KH,CN&ĐMST của Vùng”.

KH,CN&ĐMST thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN Bình Định cho biết, công tác quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả nổi bật, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh năm 2021 là 33,18%, năm 2022 là 41,95%, năm 2023 là 40,34% (mục tiêu đề ra bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt 38-42%). Tốc độ đổi mới công nghệ năm 2020 là 7,5, năm 2021 là 11,5%, năm 2022 là 17,39% (mục tiêu đề ra là 17-20%/năm).

Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN Bình Định báo cáo tại buổi làm việc.
Cùng với đó, hình thành mới 10 doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ thương mại hóa nhiều sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu. Tỉnh đang phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa với nòng cốt là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, xây dựng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tiến đến từng bước hình thành Trung tâm Trí tuệ nhân tạo tại Bình Định.
 
Về sở hữu trí tuệ, toàn tỉnh có 33 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, đã được cấp 3 bằng độc quyền sáng chế, 3 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; có 85 đơn đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp, đã được cấp 46 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; có 2.460 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.470 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đặc biệt, tỉnh vừa xác lập thành công chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm mai vàng và đã có 66 nhãn hiệu cộng đồng gắn với chỉ dẫn địa danh được đăng ký bảo hộ.
 
Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được tăng cường; đã triển khai thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 đối với các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.
 
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH,CN&ĐMST có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Lĩnh vực khoa học y dược đã tập trung nghiên cứu các loài cây dược liệu có khả năng hạn chế một số bệnh thường gặp; ứng dụng duy trì các kỹ thuật cao, chuyên sâu. Trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đã tuyển chọn đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng rộng vào sản xuất.
 
Công tác quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH,CN&ĐMST có nhiều đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. Công tác thanh, kiểm tra; hợp tác và hội nhập quốc tế; chuyển giao công nghệ; cải cách, hiện đại hóa nền hành chính... đạt nhiều kết quả tích cực.
 
Nâng cao năng lực KH,CN&ĐMST đáp ứng yêu cầu thực tiễn
 
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác và các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về cơ chế, chính sách phát triển KH,CN&ĐMST; sở hữu trí tuệ; công nghệ sinh học; thực hiện các chương trình KH&CN quốc gia Bộ đang triển khai; công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp; vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển giao công nghệ; công nghệ chế biến các sản phẩm; hoạt động khởi nghiệp, ĐMST tại địa phương; công tác đào tạo nguồn nhân lực…
 
Bà Trần Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho biết, Bình Định là địa phương luôn chủ động, tích cực phối hợp với Bộ KH&CN trong triển khai các nhiệm vụ chung về quản lý, phát triển KH,CN&ĐMST. Qua tổng hợp cho thấy, các đơn vị chức năng của Bộ đã phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, trả lời Sở KH&CN xử lý các đề xuất, kiến nghị. Trong đó, hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn như yến sào, ớt, bưởi, mai vàng... và nhiều sản phẩm được cấp văn bằng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận...
 
Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu khoa học cơ bản, đầu tư của Bộ KH&CN cho lĩnh vực này và cảm ơn Bộ KH&CN đã luôn quan tâm, hỗ trợ, đồng hành với Hội và Trung tâm trên con đường phát triển khoa học và giáo dục tỉnh Bình Định, để thành phố Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lâm Hải Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh Bình Định rất quan tâm phát triển KH,CN&ĐMST, coi KH&CN cùng giáo dục đào tạo là các yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Hoạt động KH,CN&ĐMST được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và có nhiều đổi mới, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, hoạt động KH,CN&ĐMST cuả tỉnh được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH,CN&ĐMST cũng còn một số hạn chế như năng lực KH&CN của tỉnh nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực hấp thu công nghệ, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp còn thấp... Đồng chí Lâm Hải Giang cho biết, thời gian tới, Bình Định sẽ có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tiềm lực KH,CN&ĐMST; đẩy mạnh phát triển liên kết, nhất là liên kết các ngành, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, trường đại học; ứng dụng KH&CN trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đánh giá cao những kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST của tỉnh thời gian qua. Bình Định có nhiều thế mạnh, tiềm năng về phát triển KH,CN&ĐMST. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, còn nhiều việc cần làm để thực hiện được mục tiêu xây dựng, phát triển nơi đây thành “Trung tâm KH,CN&ĐMST của Vùng”, với “Khu đô thị khoa học tầm cỡ quốc gia”, “điểm đến ngày càng hấp dẫn của các doanh nghiệp KH&CN, các nhà khoa học trong nước và quốc tế”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái: Bình Định có nhiều thế mạnh, tiềm năng về phát triển KH,CN&ĐMST.
Thứ trưởng mong muốn Lãnh đạo tỉnh Bình Định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động KH,CN&ĐMST. Cụ thể, tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng nguồn lực, ngân sách địa phương cho hoạt động KH,CN&ĐMST; huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách cho hoạt động KH,CN&ĐMST; đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thu hút, huy động các viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp tỉnh để phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan thuộc Bộ đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ, cung cấp thông tin cho địa phương về các cơ chế, chính sách Bộ KH&CN đang tập trung xây dựng, sửa đổi; thông tin và tập huấn về việc đề xuất nhiệm vụ thuộc các chương trình KH&CN quốc gia...
 
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Trần Hồng Thái và Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Sở KH&CN tỉnh Bình Định.
Bài, ảnh: Linh Chi