|
|||
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình; lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế; cùng hơn 100 đại biểu là đại diện Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ; UBND các huyện, thị xã, Thành phố Huế; đại diện lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả chỉ số PII là cơ sở để xây dựng, thực thi chính sách
Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 được Bộ KH&CN xây dựng bám sát cấu trúc của bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hàng năm. Bộ Chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo nguyên lý của Bộ Chỉ số GII) gồm: 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST (thể chế; vốn con người và nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp) và 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội (sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động).
Dữ liệu phục vụ xây dựng bộ Chỉ số PII được lấy từ hai nguồn chính là: số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ở Trung ương; do các địa phương thu thập và cung cấp, kèm theo các tài liệu minh chứng.
Bộ Chỉ số PII nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, qua đó cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương, giúp các cấp lãnh đạo có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên KH,CN&ĐMST.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 trong cả nước, 9/14 trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 6, tăng 2 bậc; Chỉ số PAPI tăng 4 bậc, đứng đầu cả nước; Chỉ số phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Index) xếp thứ 4.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội thảo.
Trong chiến lược phát triển KH&CN, tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn chú trọng đến phát triển tiềm lực KH&CN, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm KH&CN không tách rời giáo dục và đào tạo, Trung tâm y tế chuyên sâu và các tổ chức KH&CN; phát triển KH&CN hướng trọng tâm vào doanh nghiệp; tập trung đầu tư vào KH&CN, hỗ trợ các ý tưởng ĐMST, sáng chế; đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tài sản trí tuệ, thị trường KH&CN.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, năm 2023, Chỉ số PII của tỉnh xếp thứ 2 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ và xếp 14 trong toàn quốc. Kết quả này là cơ sở khoa học và thực tiễn để tỉnh ra quyết định, xây dựng, thực thi chính sách, cung cấp thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; là công cụ để tỉnh đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, các tiềm năng, lợi thế và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, Bộ Chỉ số PII là công cụ phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương, góp phần cải thiện năng lực, kết quả ĐMST cấp quốc gia. Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2022, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chính thức triển khai Bộ Chỉ số PII trên toàn quốc từ năm 2023. Nguồn dữ liệu để xây dựng Bộ Chỉ số PII 2023 được thu thập từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo.
Với mỗi địa phương, kết quả đánh giá, xếp hạng của từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột được trình bày trong một bảng thông tin tổng hợp. Đồng thời, 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu của mỗi địa phương cũng được chỉ rõ. Địa phương có thể nhận diện được những vấn đề cần chú trọng, từ đó có chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng, thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực ĐMST của địa phương và của quốc gia. Thứ trưởng Hoàng Minh đề nghị và mong muốn địa phương, các Sở, ban ngành cùng phối hợp cung cấp các dữ liệu, chỉ số thiết thực và hiệu quả, đưa vào kế hoạch triển khai, xem đây là mục tiêu để cải thiện các hoạt động quản lý, điều hành tại địa phương.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song tỉnh Thừa Thiên Huế cũng còn một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến việc xây dựng Bộ Chỉ số PII như nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn hạn chế; năng lực kết nối giữa doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu chưa cao; số lượng doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh còn thấp... Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và tìm ra những giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PII năm 2024 như triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các chính sách phát triển, tạo môi trường thuận lợi thu hút, tập trung liên kết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp; chính sách tín dụng ở địa phương phục vụ sản xuất, kinh doanh...
Bà Trần Thị Thuỳ Yên, Phó Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh có nhiều Trụ cột đầu vào thuộc top cao của cả nước như Trụ cột 1: Thể chế (3/63); Trụ cột 2: Vốn con người và nghiên cứu phát triển (5/63); Trụ cột 3: Trụ cột Cở sở hạ tầng (11/63). Trụ cột Sản phẩm tri thức sáng tạo (10/63). Tuy nhiên, cũng có nhiều chỉ số thấp hơn mức trung bình chung cả nước như: trình độ phát triển của thị trường và trình độ phát triển của doanh nghiệp; liên kết sáng tạo… Tỉnh cần cải thiện sử dụng đầu vào ĐMST để mang lại nhiều kết quả đầu ra ĐMST hơn.
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo.
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế cho biết, Sở KH&CN sẽ tiếp thu tất cả ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo UBND tỉnh và các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu để nghiên cứu, tham mưu xây dựng Kế hoạch cải thiện và nâng cao Bộ Chỉ số PII của tỉnh năm 2024 bám sát thực tiễn, định hướng phát triển của tỉnh, bám sát 7 trụ cột của bộ chỉ số nhằm từng bước cải thiện, phát huy vai trò của ĐMST trong định hướng phát triển kinh tế xã hội.
Bài, ảnh: Linh Chi |