Bản in
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong nuôi cá chình bông Phú Yên
Phú Yên có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nghề nuôi cá chình nhờ có điều kiện khí hậu, nguồn nước thuận lợi và cũng là địa phương có nguồn giống cá chình tự nhiên nhiều nhất cả nước. Tại Phú Yên, nhiều cơ sở nuôi cá chình bông đã triển khai nuôi theo mô hình công nghệ cao.

Nhằm bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm cá chình bông từ con giống, chế độ thức ăn, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Phú Yên phối hợp với một số cơ quan liên quan đang triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông của tỉnh Phú Yên”. 

 “Lộc” của thiên nhiên 
 
Cá chình bông (Anguilla marmorata) còn có tên gọi khác là mạn lệ ngư, cá lạc, được xem là một thực phẩm bổ dưỡng. Theo y học, thịt và một số bộ phận của cá chình bông được dùng để làm thuốc, là loại thực phẩm và dược phẩm vô cùng quý giá đối với ngành nông nghiệp và y học Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Giá thu mua trên thị trường trong nước hiện nay là 500.000 - 800.000 đồng/kg.
 
Đây là loài cá di cư, cá mẹ đẻ trứng ở biển sâu, cá con sau đó trôi dạt vào vùng cửa sông kiếm ăn và lớn lên. Đến lúc trưởng thành, cá lại về biển đẻ trứng. Chính vì tập tính này, hiện nay việc sinh sản nhân tạo cá chình còn khó khăn và nguồn cá giống chủ yếu vẫn được đánh bắt trong tự nhiên. Ở Phú Yên, hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11 đến tháng 2 âm lịch, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc hàng trăm người dân kéo nhau về bãi cát Bình Phú, Hội Phú và đập Tam Giang, sông Bàn Thạch... bắt đầu thức trắng đêm trên "dòng sông cá chình” để xúc cá chình giống - một món “lộc” trời ban tặng. Giống cá chình bông Phú Yên chiếm tỷ lệ 80-90% lượng cung toàn quốc.
 
Ông Kiều Công Thoại, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết, hiện ông nuôi 4 bể cá chình bông (mô hình nuôi trong bể bê tông có bùn) với khoảng 700 - 800 con giống loại nhỏ, cá lớn lên sẽ xây thêm bể và tách đàn, phân loại để đưa cá lớn ra bể lớn hơn. Năm 2022, 1 lứa cá chình bông được khoảng 5 tạ cá, mang lại lợi nhuận 200 triệu - 300 triệu đồng. 
 
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Phú Yên (doanh nghiệp cung ứng cá chình bông giống và cá thương phẩm) cho biết, nghề nuôi cá chình tại tỉnh Phú Yên bắt đầu từ những năm 2000, sau đó lan rộng ra các tỉnh phía Nam và hiện nay đã phát triển ra nhiều tỉnh trong nước. Loài nuôi chủ yếu là cá chình bông và cá chình mun (Anguilla bicolor pacifica), trong đó cá chình bông chiếm 90-95%. Hình thức nuôi chủ yếu là trong lồng, ao với thức ăn chính là giun ít tơ (Oligochaeta), động vật đáy và các sinh vật thủy sinh, ốc, hến, cá tạp, tép, nhuyễn thể, thịt ốc, cá biển… 
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Phú Yên và nhiều hộ nuôi cá chình bông tại Phú Yên trong những năm gần đây đã triển khai mô hình nuôi cá chình bông theo công nghệ cao, thức ăn chủ yếu được sử dụng nguồn chế biến công nghiệp sạch. Hiện nay, các công nghệ đang áp dụng gồm: Ương nuôi giống từ giai đoạn giống cấp I (5 gram/con) lên giống cấp II (50 gram/con); công nghệ nuôi thương phẩm trong các ao; công nghệ nuôi thương phẩm trong các bể nuôi và công nghệ nuôi thương phẩm trong lồng bè… 
Ngoài ra, hiện nay một số vùng nuôi đã sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá chình bông có hàm lượng đạm từ 45-50% giúp cá có tốc độ tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, giá thành cao, dễ bị trộn lẫn chất tăng trọng, chất cấm, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn, sạch bệnh cho đàn cá. Do đó, thức ăn công nghiệp hiện nay ở Phú Yên vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong quá trình nuôi cá chình bông. Hiện nay, nhờ ứng dụng KH&CN nên tỉnh Phú Yên có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi cá chình bông. 
 
Nâng cao giá trị thương hiệu cá chình bông Phú Yên 
 
Nghề nuôi cá chình bông đã giúp nhiều hộ nông dân “đổi đời”, đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Hiện nay, mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm đã được nhân rộng, bước đầu đã cho thấy hiệu quả khả quan: cá chình phát triển tốt, ít dịch bệnh, giá cả ổn định, đầu ra mở rộng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân tỉnh Phú Yên và là một trong những hướng đi giúp người dân làm giàu bền vững. Tuy nhiên, chi phí đầu vào cao dẫn đến sức cạnh tranh kém, vì vậy tính bền vững không cao. Hơn nữa, đa số người dân vẫn nuôi theo mô hình nhỏ lẻ, chưa thực sự đầu tư mở rộng mô hình. 
 
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã có chỉ đạo, kế hoạch chuyển giao, ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành thuỷ sản Phú Yên. Với những lợi thế của nghề nuôi cá chình bông, việc sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm cá chình bông Phú Yên hiện nay thực sự cần thiết. Bởi cá chình bông Phú Yên có chất lượng đặc trưng, có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của khu vực nuôi trồng. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng CDĐL cho cá chình bông Phú Yên.
 
Xuất phát từ thực tiễn đó, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, thuộc Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với một số cơ quan liên quan đang triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông của tỉnh Phú Yên” nhằm bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và sản xuất; nâng cao giá trị, phát huy danh tiếng của sản phẩm cá chình bông tỉnh Phú Yên; giúp người nuôi, người kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao nhận thức của người nuôi theo quy trình chặt chẽ, tạo ra những sản phẩm giá trị; góp phần vào phát triển du lịch gắn sản phẩm với vùng địa danh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 
Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho rằng, mỗi vùng địa lý khác nhau sẽ có những nông đặc sản có tính chất đặc thù về điều kiện tự nhiên, quy trình nuôi trồng, chăm sóc sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng khác nhau. Việc xây dựng CDĐL cho cá chình bông Phú Yên sẽ khẳng định chất lượng gắn liền với nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. 
 
Viện xây dựng các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển CDĐL phù hợp với điều kiện của địa phương, khu vực và tính chất đặc thù của sản phẩm cá chình bông Phú Yên được bảo hộ. Xây dựng hệ thống công cụ phục vụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ CDĐL trong đó có hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến phục vụ quản lý, kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ông Hải cho biết. 

Viện Thổ nhưỡng Nông hoá và một số đơn vị liên quan đang xây dựng đăng ký bảo hộ và quản lý CDĐL cho sản phẩm cá chình bông của tỉnh Phú Yên. 
 
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN Phú Yên, việc sớm xây dựng CDĐL cho cá chình bông Phú Yên sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm cá chình bông từ con giống, chế độ thức ăn, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, xu hướng của thị trường hiện nay luôn đòi hỏi những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bão hộ. Vì vậy, CDĐL cho cá chình bông Phú Yên không chỉ mang ý nghĩa về xuất xứ hàng hóa mà quan trọng hơn mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất và góp phần quảng bá sản phẩm địa phương. Qua đó, góp phần tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tới người dân tại các vùng nuôi cá chình bông nói chung và địa phương nói riêng. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về giá trị thương hiệu sản phẩm cá chình bông Phú Yên mang nét đặc trưng của tỉnh trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay”, Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên