|
|||
Sáng ngày 12/10/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng; đồng chí Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng đồng chủ trì Hội thảo. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt (giữa), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (trái), Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì Hội thảo.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đang phát triển mạnh mẽ
Những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam đã hình thành và phát triển nhanh. Sau Covid-19, việc thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2021, và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023. Theo Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2023, Việt Nam tăng 2 bậc, từ vị trí 48 lên 46 trên 132 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hình thành và phát triển.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo.
Bộ trưởng cho biết, tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN là đầu mối thực hiện việc thành lập 3 Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại 3 thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Bộ KH&CN đã có văn bản hướng dẫn hình thành và phát triển Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương, bộ, ngành, tổ chức có tiềm năng phát triển khởi nghiệp ĐMST. Việc hình thành trung tâm căn cứ vào nguồn lực nội tại và nhu cầu thực tiễn của địa phương, định hướng trung tâm trở thành hạt nhân của hệ sinh thái địa phương, đầu mối kết nối, khai thác các nguồn lực, liên kết vùng, quốc gia và quốc tế.
Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST phong phú ở khu vực tư nhân, khu vực công và các tổ chức quốc tế. Khoảng 20 địa phương đã và đang hình thành các Trung tâm Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động; nhiều trung tâm khởi nghiệp ĐMST của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian ĐMST tại Việt Nam...
Bộ trưởng tin tưởng, quy mô và hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia sẽ ngày càng được mở rộng và nâng cao; thu hút nhiều nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp thiết thực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, TP. Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trực thuộc Sở KH&CN; đồng thời, phối hợp với Bộ KH&CN triển khai thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Trung tâm) tại Đà Nẵng nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP. Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung, kết nối hệ sinh thái cả nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại Hội thảo.
Đến nay, Đà Nẵng đã hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST thành phố và 2 trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học, 9 vườn ươm, 4 không gian sáng tạo, 9 không gian làm việc chung, 4 quỹ đầu tư khởi nghiệp và các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng cùng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thành phố ngày càng phát triển, với các trụ cột chính là: cơ quan Nhà nước; viện nghiên cứu, trường đại học; tổ chức hỗ trợ; cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể liên quan cùng tham gia tích cực vào hệ sinh thái”, ông Chinh nhấn mạnh.
Hoạt động khởi nghiệp ĐMST của Thành phố đã có các kết quả tích cực và đi vào chiều sâu. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khởi nghiệp ĐMST từng bước được đầu tư, hoàn thiện. Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng, trong đó một số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đã thu hút được vốn từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng, giải pháp định hướng cho việc thành lập và phát triển hệ thống các Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên cả nước. Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN cho biết, các chính sách hỗ trợ phát triển đã được thể hiện qua các văn bản như: Quyết định 844/QĐ-TTg (Đề án 844), Quyết định 188/QĐ-TTg, Nghị định 76/2018/NĐ-CP, Nghị định 109/2022/NĐ-CP, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN báo cáo tham luận tại Hội thảo.
Tuy nhiên, theo ông Quất, hiện còn có những khoảng trống và vướng mắc như việc công nhận/tiêu chí các tổ chức hỗ trợ, các trung tâm; nguồn tài chính từ khu vực công để đầu tư; chưa có các mục chi đặc thù cho hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST... Do đó, Đề án 844 giai đoạn tới cần tập trung hỗ trợ cho các Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST địa phương phát triển tư duy, năng lực, con người, hoạt động... Về dài hạn, cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý để lấp các khoảng trống và vướng mắc.
Tham luận về mô hình Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại địa phương, ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN TP. Đà Nẵng cho biết, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin KH&CN thuộc Sở KH&CN. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở KH&CN, hoạt động theo cơ chế tự chủ. Trung tâm có nhiệm vụ là đầu mối thực hiện chức năng hỗ trợ triển khai các hoạt động khởi nghiệp ĐMST, tổ chức các sự kiện và hoạt động truyền thông về khởi nghiệp ĐMST, phổ biến các cơ chế chính sách, hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, các thành tựu KH&CN và khởi nghiệp ĐMST, tổ chức hoạt động kết nối mạng lưới khởi nghiệp trong nước và quốc tế; và thực hiện chức năng thông tin, thống kê KH&CN phục vụ công tác quản lý nhà nước của Sở KH&CN.
Ông Viên kiến nghị, về mô hình, đây phải là một Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quốc gia đủ mạnh với đầy đủ cơ sở pháp lý, chính sách ưu đãi phù hợp; có nguồn nhân lực đủ năng lực trí tuệ, bản lĩnh và nhiệt huyết với sự nghiệp ĐMST. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh cho khởi nghiệp ĐMST.
Theo ý kiến của các chuyên gia, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cần có sự đồng bộ từ hành lang pháp lý, chính sách, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, nguồn lực con người.
Thực hiện vai trò quản lý nhà nước ở Trung ương, Bộ KH&CN là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hành lang pháp lý, các chính sách thử nghiệm, thí điểm, nhằm đẩy nhanh các sản phẩm, dịch vụ ĐMST của doanh nghiệp ra thị trường. Đồng thời, thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo, đánh giá, kiểm tra, đo lường các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá về hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ kỹ thuật, kết nối các chuyên gia quốc tế cho các địa phương; hướng dẫn, quy định về tiêu chí công nhận, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, đảm bảo các Trung tâm phát triển đồng bộ, hiệu quả.
Địa phương tổ chức triển khai, thành lập, vận hành các Trung tâm ở địa phương, với các hoạt động trọng tâm: Là đầu mối cung cấp, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; tổ chức các sự kiện phục vụ khởi nghiệp ĐMST quy mô vùng, địa phương; đặt hàng các bài toán, thách thức của chính quyền địa phương cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST; truyền thông, tôn vinh, khen thưởng các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại địa phương.
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên
|