|
|||
Hội thảo là một trong chuỗi các sự kiện tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 tại Lai Châu. Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng thân thiện với môi trường, khai thác tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên tái tạo, hướng tới bảo tồn giá trị văn hóa gắn phát triển kinh tế, triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ số phát triển xanh, bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển công nghệ; sử dụng năng lượng, nhiên liệu giảm thiểu tác động đến môi trường. Lai Châu – nhiều tiềm năng để phát triển xanh, bền vững Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới, hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh; giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính; kích thích với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ xanh và các ngành công nghiệp sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch… nhằm buộc các nhà sản xuất chuyển chi phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm; đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà quản lý và khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường. Khoa học và công nghệ không chỉ là cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò then chốt như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra giá trị lớn trong việc giảm thiểu những tác động và giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, cũng như mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, hoàn thiện sinh thái vì con người, vì môi trường. Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh, định hướng phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh, bền vững. Tỉnh sở hữu điều kiện đất đai, sinh thái để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đến cửa khẩu quốc tế thuận lợi để phát triển các dịch vụ xuất nhập khẩu. Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, nhiều bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc là tiềm năng để phát triển du lịch. Tỉnh có một số mỏ khoáng sản trữ lượng lớn như: đất hiếm, đồng, chì, kẽm, vàng… có khả năng khai thác, chế biến phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Lai Châu cũng là địa phương có tiềm năng phát triển thủy điện với 163 dự án đã được quy hoạch, quy mô tổng công suất hơn 4.200 MW. Ngoài ra, tỉnh Lai Châu còn có một số vị trí có tiềm năng về điện gió, điện mặt trời với tiềm năng trên 1.000 MW; tiềm năng thủy điện tích năng với trên 3.000 MW… Sau 18 năm chia tách và thành lập, tỉnh Lai Châu đã sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, phát huy nội lực, tận dụng các tiềm năng, thế mạnh sẵn có để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo Triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ để phát triển xanh, bền vững Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các diễn giả, chuyên gia chia sẻ các tham luận: Thí điểm bộ chỉ số “Tam giác vàng năng lượng”; mô hình làng thông minh gắn với năng lượng, chuyển đổi số nông thôn, định hướng phát triển xanh và bền vững; chuyển đổi năng lượng: Giải pháp và ứng dụng cho Lai Châu; chia sẻ một số công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm và giải pháp bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung vào các vấn đề liên quan đến chủ đề “Công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững” như thúc đẩy phát triển năng lượng xanh; phát triển kinh tế số; kinh nghiệm, giải pháp, công tác quản lý Nhà nước, thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã… trong lĩnh vực công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững. Các tham luận này đã nêu bật được những góc nhìn toàn diện hơn đối với các công nghệ hiện đại đang được áp dụng ở một số ngành công nghiệp, đồng thời tạo ra sự tương tác, trao đổi giữa các chuyên gia và các đại biểu tham dự hội thảo. Thông qua hội thảo này, Lai Châu mong muốn sẽ tiếp tục được đón các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu và đến đầu tư tại tỉnh với những công nghệ hiện đại gắn với phát triển xanh và bền vững. Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng tỉnh Lai Châu cần quan tâm thời gian tới trong triển khai, áp dụng công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững các vấn đề như: Trong phát triển du lịch, cần xác định người dân là trung tâm, khuyến khích các ý tưởng, sáng kiến phát triển du lịch cộng đồng với mô hình làng/xã thông minh, chuyển đổi số bao trùm là du lịch sinh thái xanh, kinh tế xanh, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Về phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời thì cần có chủ trương của Chính phủ, của tỉnh, tạo cơ sở để các đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn liên kết triển khai, phát huy tiềm năng phát triển năng lượng tại địa phương… Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh tỉnh Lai Châu cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển xanh, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây được coi là “đặc sản” hiện có của tỉnh Lai Châu cũng như của các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời, tỉnh nên phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá thí điểm áp dụng chỉ số tam giác vàng chuyển năng lượng xanh thành nền kinh tế tuần hoàn; có cơ chế hỗ trợ đặc thù trong áp dụng ứng dụng công nghệ mới theo mô hình startup để Lai Châu trở thành nơi hấp dẫn trong áp dụng các mô hình công nghệ mới; tiếp tục thay đổi tư duy mới, lựa chọn công nghệ phù hợp để thực hiện chuyển đổi. Ngay sau Hội thảo cần triển khai ngay một số dự án, đưa những kinh nghiệm ứng dụng của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 tại Lai Châu vào thực tiễn. Bài, ảnh: Đăng Minh
|