Bản in
“Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, dược liệu bền vững gắn với du lịch cộng đồng”
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp dược liệu bền vững gắn với du lịch cộng đồng”.

Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp dược liệu bền vững gắn với du lịch được tỉnh Sơn La xác định là lợi thế, tiềm năng, góp phần gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển du lịch - ẩm thực, nông nghiệp, dược liệu, định hướng của nhà quản lý; những hạn chế do quá trình thúc đẩy du lịch - ẩm thực, nông nghiệp, dược liệu do Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc chủ trì, chuyên gia của các làng Techfest Quốc gia đã chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp về xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững gắn với du lịch cộng đồng, từ chính sách đến thực tiễn và các giải pháp đổi mới sáng tạo; công nghệ xanh và những tiềm năng phát triển của Sơn La; đặc sản dược liệu Sơn La và con đường làm tăng giá trị; Làng Du lịch chuyển đổi số giải pháp gia tăng kết nối hiệu quả các chuỗi giá trị nông nghiệp, du lịch, dược liệu...

Tại Hội thảo: "Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, dược liệu bền vững gắn với du lịch cộng đồng", ông Lý Đình Quân, Trưởng làng công nghệ du lịch - ẩm thực, Tổng Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, chia sẻ: Sơn La có nhiều tiềm năng về dược liệu được đánh giá có nhiều thuộc tính có thể cạnh tranh với các khu vực như Tây Nguyên và Hòa Bình. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng làng công nghệ dược liệu xanh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng đánh giá: Sơn La có rất nhiều rừng thiên nhiên, rừng nguyên sinh, các cây dược liệu mọc trong đó rất nhiều. Đó là tài nguyên của Sơn La. Tuy nhiên, tài nguyên này lại đang bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt. Cây dược liệu được đưa vào danh mục những cây hạn chế khai thác. Bên cạnh đó, các tài nguyên dược liệu mặc dù được khai thác nhưng chế biến và bảo quản còn thô sơ, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Năm 2013, Chính phủ có quyết định để Sơn La là 1 trong 8 vùng phát triển dược liệu quý.

Con đường làm tăng giá trị cây dược liệu của Sơn La dựa trên tiềm năng - phát huy nội lực – lựa chọn mũi nhọn, liên kết chuỗi vùng, quốc gia, quốc tế.

Kết thúc hội thảo, với các phần tham luận về các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dược liệu và năng lượng đã giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp có nhận thức về ĐMST và chuyển đổi số. 

Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia các nhà quản lý, chuyên gia các làng Techfest Quốc gia đã gợi mở nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, du lịch liên kết trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La.

Tin, ảnh: Nhóm phóng viên