|
|||
Từ lâu, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã nổi tiếng với nhiều sản vật như: trầm hương, cá, mực, tôm hùm… Đến gần đây, huyện đã có thêm một số sản phẩm là kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đó là sản phẩm dừa, tỏi. Nhận thấy những tiềm năng của loại sản phẩm này, tỉnh Khánh Hòa đã đưa nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm tỏi được trồng, sản xuất trên địa bàn huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa” vào danh mục các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện giai đoạn 2021-2025. Theo thống kê, toàn huyện Vạn Ninh có 210 ha tỏi, tập trung tại xã Vạn Hưng và xã Vạn Thạnh. Giống tỏi trồng ở huyện Vạn Ninh có nguồn gốc từ Quảng Ngãi, được nông dân đảo Lý Sơn mang vào Khánh Hòa để phát triển. Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng Trần Ngọc Phú cho biết, cây tỏi được nông dân phát triển rất mạnh, mở rộng tại nhiều thôn (Xuân Tây, Xuân Đông và Xuân Vinh). Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở khu vực này thích hợp với cây tỏi nên năng suất đạt trên 75 tạ/ha. Giá tỏi khô ổn định, trung bình 60.000-70.000 đồng/kg nên thu nhập của người dân khá cao.
Tuy nhiên, tiềm năng tiêu thụ của sản phẩm này chưa tương xứng với khả năng sản xuất. Theo Trưởng Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh Nguyễn Ngọc Ý, tỏi Vạn Ninh chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có liên kết tiêu thụ sản phẩm nên gặp khó khăn khi tham gia cung ứng vào chuỗi các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Đồng thời, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ tỏi trên địa bàn huyện.
Với mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Khánh Hòa, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tể, văn hóa, xã hội, tỉnh Khánh Hòa đã xác định được định hướng mục tiêu cụ thể cho sản phẩm “Tỏi sẻ Vạn Ninh”:
Thứ nhất, tạo lập công cụ sở hữu trí tuệ thông qua việc đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu cho sản phẩm “Tỏi sẻ” được trồng, sản xuất tại xã Vạn Hưng, Vạn Thạnh, qua đó nâng cao danh tiếng và uy tín của thương hiệu “Tỏi sẻ Vạn Ninh”.
Thứ hai, xây dựng mô hình quản lý và triển khai các hoạt động thí điểm nhằm quảng bá, phát triển giá trị nhãn hiệu có sử dụng tên địa danh và giúp tăng lượng tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục triển khai hỗ trợ địa phương xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng. Trong giai đoạn này, các địa phương ngoài việc đánh giá lại tính cần thiết thực hiện dự án, xác định được quy mô, phạm vi xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tỏi được sản xuất tại Vạn Hưng, Ninh Vân, Ninh Phước…, cần cung cấp đầy đủ các thông tin về đơn vị, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ; chủ thể (đơn vị) chủ sở hữu nhãn hiệu đứng tên lập hồ sơ đăng ký; chủ thể (đơn vị) triển khai hoạt động quản lý, cấp quyền sử dụng và khai thác giá trị nhãn hiệu… Qua đó, đề xuất nhiệm vụ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 cho kế hoạch hàng năm.
PV
|