|
|||
3 sản phẩm chanh leo, mận và bơ Sơn La được cấp cấp giấy chứng nhận, góp phần nâng tổng số sản phẩm được cấp giấy chứng nhận lên 24 sản phẩm, mở ra cơ hội tiêu thụ và xuất khẩu nâng cao giá trị các sản phẩm. Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La 2022 được UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Bộ Công thương tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 24 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước và 15 điểm cầu nước ngoài tại các nước: Trung Quốc, Úc, Singapore, Nam Phi, Ả rập, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, UAE… Với trên 400.000 ha đất nông nghiệp màu mỡ, tầng canh tác dày cùng điều kiện khí hậu cận ôn đới, Sơn La hiện nằm trong số những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng nông sản. Hiện, Sơn La có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Có 241 mã số vùng trồng với diện tích gần 3.870 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; hơn 5.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương. Các sản phẩm nông sản đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như: Big C, Winmart, Hapro Mart; tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử: Sendo, Voso, Postmart, Shopee. Đã có 17 sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La xuất khẩu sang thị trường 21 nước như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE... Cũng trong chuỗi sự kiện, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ khai trương sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La. Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La khai trương, đi vào hoạt động là kênh tiêu thụ mới, an toàn, hiệu quả, giúp xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh Sơn La. Sàn giao dịch được bảo vệ bởi chứng thư số SSL (Secure Sockets Layer), đây là tiêu chuẩn công nghệ bảo mật trên môi trường internet an toàn nhất hiện nay. Sàn giao dịch đã xây dựng chức năng xử lý các phản ánh vi phạm của cộng đồng. Người tiêu dùng có thể trực tiếp đánh giá, gửi phản ánh về chất lượng, nguồn gốc cũng như các vấn đề liên quan tới sản phẩm tới đơn vị cung ứng hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, sàn giao dịch là công cụ tương tác trao đổi thông tin chính thống về hàng hóa nông sản giữa người mua và người bán, giúp chính quyền các cấp phát huy vai trò trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử trong tương lai không xa. Sơn La hiện có 8.160 ha mận, sản lượng 66.100 tấn; 2.240 ha chanh leo, sản lượng ước đạt 28.200 tấn; hơn 1.120 ha bơ, sản lượng ước đạt gần 4.000 tấn, tập trung trên địa bàn các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu. Thời gian thu hoạch mận bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 6 dương lịch; bơ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 8 dương lịch và chanh leo thu hoạch 3 vụ/năm. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng xây dựng vùng chuyên canh trồng chanh leo, mận hậu và bơ đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu, cụ thể: sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP); sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ; thực hiện tỉa cành tạo tán, tỉa quả, thực hiện trồng rải vụ, giảm áp lực thời vụ, nâng cao mẫu mã, chất lượng, giá trị cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã vùng để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến... Hiện, toàn tỉnh có 220 mã số vùng trồng với diện tích trên 4.847 ha; 33 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. PV |