Bản in
Xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh trọng điểm về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Vĩnh Phúc đã và đang có những chỉ đạo, cơ chế, chính sách cụ thể để tạo những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế.

Tăng trưởng KT-XH dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày 10/12/2021, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc để trao đổi về các giải pháp phát triển KH&CN và ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Lãnh đạo Bộ KH&CN, tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và một số công ty, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
 
Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có những chỉ đạo, cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); ưu tiên thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số; hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế.
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ KH&CN dành cho Tỉnh thời gian qua, đặc biệt là việc chọn Vĩnh Phúc là nơi đăng cai tổ chức “Diễn đàn phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực” và ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025.
 
Đồng chí cho biết, thời gian qua, hoạt động KH&CN của tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đảm bảo kế hoạch, bám sát thực tiễn sản xuất và cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh trong suốt 25 năm qua. Khoa học tự nhiên, Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ; cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; một số lĩnh vực đã tiếp cận trình độ tiên tiến khu vực và thế giới. Công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống được đẩy mạnh. Nhiều mô hình KH&CN có hiệu quả được triển khai như: bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý hiếm Trà hoa vàng, ba kích; sản xuất, cung ứng chế phẩm Biomix1; ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để phát triển đàn trâu lai Murrah tại Vĩnh Phúc...; nhiều kỹ thuật y học mới, bài thuốc y học cổ truyền được triển khai, áp dụng, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiềm lực KH&CN của Tỉnh được nâng lên. Quản lý nhà nước về KH&CN từng bước được đổi mới. Thị trường KH&CN đã được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh và chủ động hơn trong một số lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực, trình độ KH&CN trên địa bàn Tỉnh.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn nhìn nhận: hoạt động KH&CN của Vĩnh Phúc so với tiềm năng phát triển còn khá khiêm tốn. KH&CN chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN còn hạn chế, chủ yếu vẫn từ năng lực hiện có của doanh nghiệp; đầu tư cho KH&CN còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, với sự phát triển nhanh của KH&CN, đặc biệt là những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đảng, Nhà nước đã nâng tầm vai trò của KH,CN&ĐMST trong Chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng coi phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào KH,CN&ĐMST là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất. Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của Tỉnh, trong đó Tỉnh rất quan tâm, chú trọng đến lĩnh vực KH&CN. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII xác định: "...chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng KH,CN&ĐMST... Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, ĐMST, phát triển và ứng dụng các tiến bộ KH&CN, tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...".
 
06 nhóm vấn đề tạo bứt phá 
 
Để phát triển KH,CN&ĐMST và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Tỉnh đã và đang có những chỉ đạo, có những cơ chế, chính sách để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, ĐMST; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên KH,CN&ĐMST; ưu tiên thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số; hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế.
 
 
Tại buổi làm việc, tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất với Bộ KH&CN 06 nhóm vấn đề nhằm phát triển mạnh mẽ KH,CN&ĐMST, tạo bứt phá, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Cụ thể trước mắt phê duyệt một số dự án thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia; thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thiết yếu, gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng phát triển nhanh, bền vững; nghiên cứu, đề xuất định hướng chất lượng công nghệ trong thu hút đầu tư; tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng; tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
 
Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, viện nghiên cứu trong cả nước với sự kết nối, hỗ trợ của Bộ KH&CN để giúp Vĩnh Phúc đạt được những đổi mới trong phát triển KH&CN và thông qua buổi ký kết hợp tác lần này, 02 bên sẽ đưa ra được giải pháp thiết thực, mở ra nhiều cơ hội mới, góp phần thúc đẩy hoạt động KH&CN của Tỉnh trong những năm tiếp theo.
 
Tại buổi làm việc, trên cơ sở đề xuất của Vĩnh Phúc, đoàn công tác đã làm rõ thêm về những giải pháp và gợi mở định hướng phát triển cho Vĩnh Phúc trong thời gian tới. 02 bên cũng đã thảo luận và thống nhất các nội dung trong Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu tăng cường phối hợp hoạt động trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động KH&CN; phục vụ thiết thực, hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tập trung nguồn lực của Tỉnh và sự hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm của Bộ KH&CN để xây dựng, tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ nâng cao tiềm lực KH&CN địa phương, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn; xây dựng Vĩnh Phúc trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao hoạt động KH,CN&ĐMST của Vĩnh Phúc, Bộ trưởng cho rằng, việc chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, đặt trọng tâm tăng năng suất lao động dựa trên nền tảng KH&CN; nâng cao năng lực quản trị; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh và quản lý xã hội, từng bước khẳng định được vị thế của KH,CN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Việc ứng dụng, chuyển giao KH&CN được lãnh đạo Tỉnh quan tâm đầu tư đúng và kịp thời; nhiều mô hình sản xuất ứng dụng KH&CN đem lại hiệu quả kinh tế cao; hàm lượng KH&CN đóng góp vào giá trị sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng; thị trường KH&CN, quản lý nhà nước về KH&CN có nhiều đổi mới, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế trong cả nước.
 
“Qua báo cáo cho thấy, Lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm đến KH,CN&ĐMST, thể hiện rất rõ từ việc ban hành nghị quyết, chương trình, đề án phát triển KH,CN&ĐMST, Hội đồng nhân dân ban hành cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực được quan tâm, nhiều nhiệm kỳ đồng chí Giám đốc Sở KH&CN là Tỉnh ủy viên...”, Bộ trưởng cho biết thêm.
 
Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST, tạo nên những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ trưởng cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động KH&CN đổi mới sáng tạo, bố trí cán bộ, đào tạo nhân lực và củng cố tổ chức bộ máy cho ngành KH&CN, góp phần đưa KH&CN trở thành một trong các trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Có giải pháp thúc đẩy việc tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao và làm chủ các công nghệ mới, công nghệ lõi, công nghệ xanh - sạch, bảo vệ môi trường từ các dự án đầu tư nước ngoài; Sớm xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư của doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN; áp dụng tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ và các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá gắn với công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào đời sống sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và từng bước phát triển kinh số để hội nhập; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao hoạt động KH&CN để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, sinh thái, du lịch, đô thị và những nhiệm vụ lớn của tỉnh.
 
Nhân dịp này, để ghi nhận sự đóng góp trong hoạt động KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ” cho 33 cá nhân có thành tích tiêu biểu.
 
Bài, ảnh: PV