Bản in
Chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển KT-XH nông thôn, miền núi
Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tính trong 5 năm trở lại đây, vai trò của KHCN trong tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng từ 23,08% lên 30,24%; năng suất lao động tăng từ 5,25% lên 8,33%. KHCN và đổi mới sáng tạo từng bước trở thành động lực chính để tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tối đa những lợi thế sẵn có của tỉnh.

Nghiên cứu, phát triển KHCN được triển khai khá đồng bộ trên các lĩnh vực. Trong đó, được sự quan tâm của Bộ KH&CN, nhiều dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi, Chương trình KHCN cấp quốc gia, Chương trình KHCN phát triển bền vững vùng Tây Bắc đã và đang được triển khai tại tỉnh, góp phẩn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã triển khai 4 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học T.Ư là 18.430 triệu đồng, gồm: Sản xuất thử nghiệm cây dược liệu tại huyện Lạc Thủy; bảo tồn nguồn gen cây tai chua; nghiên cứu ứng dụng các biện pháp sinh học phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính vùng rễ trên cây cam, quýt; đề xuất phương án định cư ổn định lâu dài và giải pháp sử dụng đất hợp lý tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Các nhiệm vụ cấp quốc gia được thực hiện đã góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, phòng trừ sâu bệnh hại nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, xây dựng và tạo ra một số vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, thúc đẩy phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Bên cạnh đó, trong tỉnh đã triển khai thực hiện 17 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi với tổng kinh phí 105.969 triệu đồng, trong đó từ ngân sách T.Ư 47.740 triệu đồng, ngân sách tỉnh 2.964 triệu đồng và huy động từ người dân, doanh nghiệp là 55.265 triệu đồng. Các dự án đều được thực hiện theo đề xuất của địa phương nên luôn bám sát nhu cầu cần thiết, cấp bách của tỉnh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, qua đó hình thành tập quán canh tác theo kỹ thuật tiên tiến, có tính nhân rộng cao. 

Hơn 2 năm qua, từ đề xuất của Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Bộ KH&CN, Sở KH&CN đã giao cho đơn vị thực hiện dự án Ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng của thiên tai tại huyện Đà Bắc. Dự án được triển khai ở 13 xã, thị trấn, 91 xóm với các mô hình về: Trồng thâm canh cây có múi; chăn nuôi bò lai nhóm Zebu + mô hình trồng cỏ voi; nuôi gà ri lai thả vườn/đồi; nuôi cá rô phi đơn tính; chăn nuôi lợn bản địa; thâm canh giống lúa mới chất lượng cao J02. Đồng chí Vũ Văn Hòa, Chủ nhiệm dự án cho biết: Tham gia các mô hình, người dân được chuyển giao/tư vấn quy trình, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Các quy trình công nghệ đều có tính thực tiễn cao, dễ tiếp cận, áp dụng và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng. Hộ nông dân tham gia dự án đã nắm bắt và áp dụng được quy trình kỹ thuật, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn sản xuất tại địa phương, giúp nâng cao hiệu quả, giá trị.

Cũng như dự án tạo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng của thiên tai ở huyện Đà Bắc, những năm qua, tại các địa phương đã được triển khai nhiều dự án mang lại hiệu quả, như: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình tuyển chọn, nhân giống, trồng và chế biến chè Shan tuyết; ứng dụng KHCN nuôi lợn siêu nạc theo phương thức công nghiệp, phát triển đàn giống lợn bố mẹ; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp; ứng dụng tiến bộ KHCN trong phát triển chăn nuôi gia cầm tại huyện Lạc Thủy; xây dựng mô hình nuôi bò thịt theo quy mô công nghiệp; mô hình nuôi cá trắm đen và cá nheo Mỹ theo liên kết chuỗi trên vùng lòng hồ; xây dựng mô hình trồng thâm canh bưởi đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Tân Lạc; ứng dụng tiến bộ KHCN phát triển nghề nuôi ong mật theo hướng sản xuất hàng hóa…

Theo đánh giá của Sở KH&CN, điểm thành công rõ nhất của các dự án là tạo dựng được mối liên kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà nông, cùng với tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, các dự án cũng góp phần đào tạo nguồn nhân lực KHKT, đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho các cơ quan chủ trì và đơn vị thực hiện dự án, từ đó khẳng định hiệu quả KT-XH thiết thực cho Nhân dân và địa phương vùng các dự án triển khai. Cơ bản sản phẩm trong các dự án có triển vọng tốt, hứa hẹn khả năng mở rộng cao, đồng thời tạo động lực phát triển KT-XH. Các dự án được triển khai đều tập trung vào hướng ưu tiên trọng điểm của tỉnh, những vùng điều kiện kinh tế tương đối khó khăn. Thông qua triển khai các dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi đã huy động được nguồn nhân lực từ các tổ chức KHCN, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện.