|
|||
Khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn được xác định giữ vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới ở nước ta, là nguồn lực không thể thiếu trong quá trình công nghiệp hóa và từng bước hội nhập nền kinh tế tri thức. Vì vậy, trong thời gian qua, Quảng Ninh chú trọng đầu tư cho KH&CN tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Cụ thể, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động làm việc, kết nối giữa các viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học với các doanh nghiệp để đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương. Các đơn vị còn chủ động đặt hàng nhiệm vụ KH&CN để giải quyết các vấn đề cấp thiết của đơn vị. Nhiều doanh nghiệp liên kết với các tổ chức KH&CN, ứng dụng KHCN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước tham gia trong quá trình tư vấn xây dựng, thẩm định các đề án, dự án lớn, nhiệm vụ KH&CN, thu hút đội ngũ tri thức, giảng viên có trình độ cao về công tác trên địa bàn tỉnh.
Các ngành, địa phương, đơn vị còn gắn kết việc ứng dụng KH&CN với các chương trình, nhiệm vụ khác như: Cải cách hành chính, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, đề án 196... đồng thời huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN để phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tiên phải kể đến là hạ tầng cốt lõi về công nghệ thông tin (CNTT) của Quảng Ninh được xây dựng dẫn đầu cả nước. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh; là nền tảng phục vụ cho công tác chuyển đổi số toàn diện.
Hiện nay, hệ thống văn bản điện tử của tỉnh đã được kết nối liên thông 4 cấp với hệ thống của Văn phòng Chính phủ. 100% đơn vị cấp huyện và cấp xã đã quản lý và điều hành tác nghiệp trên hệ thống phần mềm điện tử; tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ điện tử trong phạm vi toàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành của tỉnh kịp thời, tiết kiệm.
Tỉnh cũng xây dựng và hình thành 2 khu nông nghiệp công nghệ cao về lĩnh vực trồng trọt và thủy sản, do doanh nghiệp quản lý, khai thác. Đó là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TX Đông Triều và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại Đầm Hà.
Tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cấp, mua sắm trang thiết bị tiên tiến, hiện đại và nâng cao năng lực hoạt động các phòng thí nghiệm, hệ thống chuẩn đo lường. Phòng thí nghiệm của CDC quảng Ninh đã được Văn phòng Công nhận chất lượng (thuộc Bộ KH&CN) công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 (lĩnh vực công nhận: Hóa, sinh).
Toàn tỉnh hiện có 32 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS; 6 phòng thí nghiệm, kiểm định của các tổ chức KHCN, 1 phòng kiểm định của Cục Hải quan. Trong đó có 3 phòng thí nghiệm được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, gồm: Phòng thí nghiệm của Trung tâm Ứng dụng và thống kê (Sở KH&CN) đạt chuẩn quốc tế IEC 17025; phòng kiểm nghiệm, kiểm định của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH&CN) đạt tiêu chuẩn VILAS 185 ISO/IEC 17025:2005; phòng thí nghiệm của Trung tâm KHKT và sản xuất giống thuỷ sản (Sở NN&PTNT) đạt VILAS: 512 ISO/IEC 17025:2005.
Để phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng KHCN và đổi mới sáng tạo; xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh thành nơi ươm mầm, đào tạo nhân lực, phát triển doanh nghiêp, khởi nghiệp.
Từ những thành công bước đầu nhờ ứng dụng KHCN, Quảng Ninh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng CNTT tạo sự bứt phá bảo đảm hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông; tập trung các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chỉ số sẵn sàng cho phát triển CNTT, truyền thông (ICT index) thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Ngoài ra, tiếp tục phát triển và ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo để trở thành động lực then chốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Nguồn: vietq.vn/
|