Bản in
KHCN và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trong trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp
Mới đây, Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Hoạt động kinh tế doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo sau dịch bệnh” với sự chia sẻ của các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp… bàn phương hướng phục hồi cho doanh nghiệp nông sản trong trạng thái bình thường mới.

Công nghệ ngăn đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản

Hiện nay, nhu cầu thực phẩm của người dân Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 8.200 tấn mỗi ngày, nhưng khả năng đáp ứng của Thành phố chỉ 22%, còn lại được cung cấp từ các tỉnh. Trong giai đoạn Thành phố giãn cách xã hội, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản thể hiện rất rõ mà hầu như người dân đều cảm nhận được.

Là nơi chiếm 70% sản lượng tiêu thụ nông sản, nhưng các chợ truyền thống của Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải dừng hoạt động do nguy cơ lây nhiễm cao. Siêu thị trở thành kênh phân phối chính và buộc phải mở hết công suất để cung cấp cho người dân. Hệ thống này, có thời điểm phải dừng hoạt động do nhân viên nhiễm Covid-19 và nguồn hàng bị trễ do ảnh hưởng dịch. Do đó việc cung cấp thực phẩm theo nhu cầu thiết yếu của người dân gần như bất khả thi.

Đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản buộc các đơn vị nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công thương, các địa phương của thành phố phải là đơn vị đứng ra vận chuyển hàng hóa và cung cấp cho người dân mà không theo bất cứ một quy luật thị trường nào. Thực trạng này cho thấy cần phải ứng dụng khoa học và công nghệ để tăng tính kết nối về thông tin của thị trường, giữa người bán và người mua.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đại dịch Covid-19 có tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, không có vùng trống về nguy cơ khủng hoảng kinh tế, xã hội. Với các dữ liệu được công bố hàng ngày, không thể nói con người đi qua dịch Covid-19, tuy nhiên Việt Nam hoàn toàn tự tin đánh giá quá trình phòng chống dịch có nhiều kết quả tích cực là tiền đề cho việc sớm trở lại hoạt động bình thường.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng cần thay đổi tư duy về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp của người dân. Cục sẽ nghiên cứu tìm cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất để không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh như thời gian vừa qua. "Người dân chỉ cần một chiếc smartphone và mạng xã hội, họ có thể kết nối với nhà cung cấp ở miền Tây đưa nông sản lên mà không cần thông qua chợ đầu mối trong những ngày giãn cách xã hội".

“Chúng ta càng có niềm tin và sự tự tin chuẩn bị tâm thế, kế hoạch các bước cụ thể cho việc phục hồi sau dịch. Đây là lý do chúng tôi tổ chức hội thảo đề cập tới các vấn đề lớn sau đại dịch là trong nguy có cơ. Sau dịch bệnh doanh nghiệp cần làm gì để phục hồi những mất mát sau đại dịch, cần làm gì để khắc phục những điểm yếu và giải pháp tận dụng cơ hội lúc khó khăn. Đây là ba câu hỏi lớn có yếu tố sống còn với doanh nghiệp mà chúng tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp trong hội thảo này”, ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

Đổi mới sáng tạo - trụ đỡ để doanh nghiệp phát triển

Phân tích về vai trò của khoa học và công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trong trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người dân, doanh nghiệp làm nông nghiệp đã biết ứng dụng công nghệ, mạng xã hội để tạo ra kết nối cung cầu, làm tiền đề cho sự phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào chuỗi cung ứng, không để bị đứt gãy.

Ông Đinh Minh Hiệp cho biết thêm, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng phần mềm điều phối thông tin nhu cầu nông sản liên tục nhằm phối hợp với các tỉnh, thành cung cấp thực phẩm phía Nam sản xuất theo nhu cầu của thành phố, tạo liên kết chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp. Ông Đinh Minh Hiệp đề xuất các cơ quan nhà nước cần phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về số lượng người, sản lượng, thời gian thu hoạch… của từng loại nông sản. Việc này nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất theo nhu cầu thực tế từ dữ liệu thị trường.

Về phía doanh nghiệp, Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (ANTESCO) cho rằng, dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp vô vàn khó khăn khi thực hiện “ba tại chỗ”, đơn hàng bị hủy, giảm số lượng, kéo dài thời gian giao hàng… Do đó, doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước để chủ động thích ứng trong tình hình mới. Lãnh đạo Công ty ANTESCO nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất và mong muốn được các cơ quan nhà nước hỗ trợ.

“Với đặc thù doanh nghiệp sản xuất nông sản, cần lực lượng lao động lớn, chúng tôi nhận thấy ứng dụng và cải tiến công nghệ trong sản xuất sẽ giảm bớt số lượng lao động, cũng như năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên”, ông Nguyễn Công Luận nói.

Ở góc độ đơn vị tư vấn, ông Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần IPGroup cho rằng, doanh nghiệp khi có ý tưởng, hay sáng chế cần đưa vào thành tài sản trí tuệ, bằng các bằng sở hữu để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình bằng các giải pháp cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

Bài, ảnh: Đăng Minh