|
|||
Các trường đại học trên địa bàn tỉnh là những địa chỉ đầu tiên mà tổ đến tìm hiểu thực tế và cùng tìm hướng đi. Dù tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng các cuộc gặp mặt đều mang lại kết quả tốt đẹp. Nhiều khó khăn, hạn chế Mặc dù đã có chính sách khuyến khích sinh viên tham gia khởi nghiệp nhưng số lượng sinh viên tham gia khởi nghiệp ĐMST hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Chẳng hạn, tại Trường đại học Đồng Nai, hoạt động khởi nghiệp ĐMST mới chỉ chủ yếu dừng lại ở phổ biến đề án, các chính sách về khởi nghiệp; tổ chức các đợt học tập kinh nghiệm cho giảng viên; cử giảng viên tham dự các buổi tổng kết của đề án…
Phân hiệu 2 Trường đại học Lâm nghiệp (H.Trảng Bom) cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai hoạt động khởi nghiệp ĐMST như: thiếu nguồn vốn hỗ trợ cho các ý tưởng ban đầu, thiếu kinh nghiệm trong dẫn dắt sinh viên khởi nghiệp, thiếu bộ tài liệu chuẩn về công tác đào tạo khởi nghiệp chuyên ngành, thiếu khu ươm tạo phục vụ khởi nghiệp…
Ông Lại Thế Thông, Giám đốc Sở KH&CN, Tổ trưởng Tổ khởi nghiệp ĐMST cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung kết nối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong triển khai nhiệm vụ. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu với các doanh nghiệp để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; đẩy mạnh các hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các tỉnh, thành trong khu vực nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Chú trọng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp ĐMST. Định kỳ khảo sát điều tra về thực trạng khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST tại địa phương để điều chỉnh kế hoạch phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST…”.
Trường đại học Công nghệ Đồng Nai là một trong những đơn vị đã quan tâm đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST như: thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo làm không gian làm việc chung cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; đưa vào giảng dạy chương trình khởi nghiệp. Trường cũng đã tổ chức nhiều hoạt động khởi nghiệp ĐMST, đồng thời các giảng viên, sinh viên của trường cũng có nhiều dự án đoạt giải trong các cuộc thi cấp tỉnh. Tuy vậy, chính đại diện nhà trường vẫn cho rằng, kết quả hoạt động khởi nghiệp ĐMST của trường vẫn chưa đạt như mong muốn.
Là đơn vị có thế mạnh về nghiên cứu, chuyển giao KH&CN, Trường đại học Lạc Hồng đã luôn tạo sân chơi cho sinh viên làm tốt các đề tài nghiên cứu khoa học. Đây được xem là “đầu vào” của hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Trên thực tế, nhiều sản phẩm nghiên cứu, chế tạo của giảng viên, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng đã được thương mại hóa. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng nhà trường, để hoạt động khởi nghiệp ĐMST có hiệu quả và phát triển mạnh, nhà trường cần thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, nhất là những hỗ trợ quá trình ươm tạo phát triển thành doanh nghiệp và thương mại hóa sản phẩm.
Những hạn chế, khó khăn trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST của các trường đại học trên địa bàn tỉnh cũng chính là bài toán mà Tổ triển khai hoạt động khởi nghiệp ĐMST sẽ cần phải tìm phương án giải quyết.
Cần có chương trình đào tạo khởi nghiệp
Tại những buổi làm việc về hoạt động khởi nghiệp ĐMST, đại diện các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã nêu nhiều kiến nghị, đóng góp với lãnh đạo Sở KH&CN và Tổ triển khai hoạt động khởi nghiệp ĐMST.
Sản phẩm ngôi nhà thông minh của giảng viên, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng (ảnh chụp ngày 11-12-2019)
TS Lê Anh Đức, Hiệu trường Trường đại học Đồng Nai cho biết, trong thời gian tới, nhà trường sẽ có kế hoạch triển khai hoạt động khởi nghiệp, phát triển văn phòng sáng tạo ảo trên mạng và văn phòng sáng tạo trong khuôn viên nhà trường để tạo điều kiện cho sinh viên, giảng viên cùng trao đổi, làm việc và sáng tạo. Nhà trường rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía Sở KH&CN.
Đại diện Phân hiệu 2 Trường đại học Lâm nghiệp thì đề xuất, Sở KH&CN cần tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp đào tạo chuyên gia và biên soạn tài liệu về khởi nghiệp; tạo điều kiện cho nhà trường tiếp cận được các nguồn vốn và các nhà đầu tư…
TS Đặng Kim Triết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai mong muốn được phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, nhất là Sở KH&CN trong việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ ban đầu; hỗ trợ công tác đào tạo chuyên sâu đối với giảng viên, hỗ trợ chuyên gia nói chuyện chuyên đề với sinh viên; hỗ trợ phát triển vườn ươm khởi nghiệp; hỗ trợ tổ chức các cuộc thi và tư vấn tham gia các cuộc thi cấp tỉnh…
|