|
|||
Từ đầu năm đến nay, Hội đồng Sáng kiến tỉnh thẩm định, xét hồ sơ và công nhận 44 sáng kiến, trong đó lĩnh vực y tế, giáo dục có nhiều sáng kiến nhất với 36 hồ sơ; 5 sáng kiến thuộc lĩnh vực Đảng và Quản lý nhà nước; 3 sáng kiến thuộc lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật. Quy trình xét, đánh giá công nhận sáng kiến được thực hiện thống nhất và dần đi vào nền nếp, qua đó, lựa chọn được những sáng kiến có chất lượng cao, đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý nhà nước, tạo động lực đổi mới trong lao động. Tiêu biểu như sáng kiến về lĩnh vực sản xuất của nhóm tác giả Nguyễn Văn Ty, Nguyễn Trang, Nguyễn Vương Hoàn (Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Bắc Đuống) “Đánh giá hiệu quả giải pháp công trình bơm lắp trên cửa van” nhằm gia tăng đầu nước trong kênh tưới phục vụ chống hạn thuộc hệ thống thủy nông Bắc Đuống; tác giả Trần Văn Thư (Công ty Đại Tân, Quế Võ) có 2 sáng kiến là “Vỉ lật thủy lực xe tải chở Pallet” và “Pallet sắt xếp chồng”. Về quản lý nhà nước có tác giả Nguyễn Hữu Thọ (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT) với sáng kiến “Ứng dụng CNTT thiết lập Hệ thống báo cáo hành chính trực tuyến nội bộ (online reporting system - ORS)”; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có 2 sáng kiến là “Giải pháp đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX” và “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tình hình mới”. Lĩnh vực giáo dục ghi nhận sáng kiến tiêu biểu của tác giả Nguyễn Mai Anh (Sở Giáo dục và Đào tạo) về “vận dụng kĩ thuật công não trong dạy học lịch sử Việt Nam (1858-1918), lớp 11 THPT - Chương trình chuẩn”; tác giả Nguyễn Đình Tấn (Trường THCS Hàn Thuyên, huyện Lương Tài) về “Sử dụng phương pháp bảo toàn nguyên tố trong giải bài tập hóa học hữu cơ”… Ở cấp cơ sở, có 1.157 sáng kiến được thẩm định, xét và công nhận. Để thúc đẩy phong trào sáng kiến trên địa bàn, Cơ quan thường trực của Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh là Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các tổ chức đoàn thể thường xuyên phát động phong trào thi đua đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, coi đó là một trong những chỉ tiêu để bình xét khen thưởng. Nhờ vậy, tạo ra không khí thi đua lao động, sáng tạo sôi nổi, rộng khắp như ngành Giáo dục có phong trào “Dạy tốt, học tốt”, Cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật”; Liên đoàn Lao động tỉnh có phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; Tỉnh Đoàn chủ trì tổ chức Hội thi “Tin học trẻ”,… Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông thường xuyên giới thiệu sáng kiến tới nhân dân, khuyến khích phong trào cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động sáng kiến trên địa bàn còn những hạn chế nhất định. Một số sáng kiến, giải pháp mang nặng tính lý luận, nội dung thiếu logic, thiếu tư duy sáng tạo; khả năng nhân rộng, áp dụng các mô hình sáng kiến sau khi được công nhận của các cơ quan, đơn vị còn thấp. Hoạt động sáng kiến vẫn tập trung chủ yếu ở khối cơ quan nhà nước, sáng kiến của người trực tiếp lao động còn ít, chưa thu hút được khối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia. Không ít cơ quan, đơn vị còn chưa hiểu hết về lợi ích của sáng kiến, chưa quan tâm đúng mực; một số doanh nghiệp do tính chất bảo mật trong kinh doanh hoặc hoạt động khó khăn nên không công khai sáng kiến. Theo ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, điều kiện thuận lợi là HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 192 năm 2019 quy định về nguồn kinh phí, nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến. Thời gian tới, Hội đồng Sáng kiến tỉnh sẽ ưu tiên cấp kinh phí cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tạo ra và áp dụng sáng kiến. Tiếp tục vận động các thành viên của Hội đồng đề xuất sáng kiến phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và các tổ chức khoa học, nhà khoa học đưa ra các sáng kiến thực sự có chất lượng. Chú trọng việc thẩm định sáng kiến tại cơ sở, địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông, nhân rộng hiệu quả các sáng kiến vào thực tiễn. Đặc biệt, vận động xây dựng phong trào sáng kiến tại khối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để tạo động lực đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sau dịch bệnh. |