|
|||
Đó là các chương trình: Hỗ trợ ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Incubate); hỗ trợ tổ chức các sự kiện kết nối, truyền thông hỗ trợ hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Connect); hỗ trợ phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Speedup); hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cho DN (RD&I); hỗ trợ DN về năng suất, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo (BCBuild); hỗ trợ huấn luyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Inspire); hỗ trợ trình diễn công nghệ (Tech-demo); hỗ trợ kết nối cung-cầu công nghệ "Cà phê công nghệ" (Tech-coffee). Với 8 chương trình này, nhiều gói hỗ trợ DN nghiên cứu phát triển và ứng dụng cải tiến, đổi mới sản phẩm, công nghệ được đưa ra. Điển hình như chương trình Chương trình INCUBATE sẽ hỗ trợ đến 30% kinh phí thực hiện (nhưng không vượt quá 500 triệu đồng) cho những nội dung như dịch vụ thuê ngoài, thù lao chuyên gia/báo cáo viên/cố vấn/ban giám khảo, chương trình ươm tạo… thường diễn ra thông qua các hoạt động tìm kiếm, tuyển chọn, huấn luyện, hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh ở các cơ sở ươm tạo, trường Đại học, Viện nghiên cứu hoặc các tổ chức khoa học công nghệ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã hỗ trợ cho 280 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm: 96 dự án về công nghệ thông tin, 41 dự án về du lịch, 32 dự án về giáo dục, 24 dự án về logistic, 15 dự án cộng đồng, 72 dự án thuộc các lĩnh vực khác. Trong đó, các dự án được hỗ trợ mạnh ở các giai đoạn hoàn thiện ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm, nghiên cứu thị trường, tư vấn tài chính, kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Những dự án sau khi ươm tạo thành công sẽ tiếp tục được xem xét hỗ trợ kinh phí từ Chương trình SPEEDUP. Đối với chương trình SPEEDUP, trong năm 2021, SPEEDUP sẽ hỗ trợ những nội dung như công lao động, thuê chuyên gia, dịch vụ thuê ngoài, nguyên vật liệu… cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các tổ chức ươm tạo, với mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/dự án, thời gian hỗ trợ không quá 24 tháng. SPEEDUP cũng ưu tiên hỗ trợ cho các dự án có sự tham gia đồng đầu tư từ nhà đầu tư khác theo tỉ lệ 1:1. Trước đó, năm 2020, SPEEDUP đã tuyển chọn hỗ trợ cho 40 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ của nhà nước là 25,3 tỷ đồng, kinh phí đối ứng từ các quỹ đầu tư là 10,3 tỷ đồng. Nhiều dự án khởi nghiệp được hỗ trợ thông qua các chương trình đã gọi vốn thành công từ các Quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư thiên thần với định giá tăng từ 1,5-1,8 lần so với định giá trước khi nhận được hỗ trợ. Tiêu biểu như dự án Teamup được một quỹ đầu tư mua lại với định giá là 15 tỷ đồng, dự án SchoolBus đã gọi vốn thành công cho giai đoạn tiếp theo là 1,8 tỷ đồng, dự án 689 Cloud đã gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư thiên thần cho giai đoạn tiếp theo với số vốn 100.000 USD. Đối với chương trình RD&I, chương trình sẽ hỗ trợ đến 30% kinh phí của nhiệm vụ nghiên cứu phát triển cho các đề tài đầu tư nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN. Chương trình cũng khuyến khích DN hợp tác với trường Đại học, Viện nghiên cứu để cùng triển khai nhiệm vụ đổi mới và làm chủ công nghệ ở DN. Qua đó đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng cao trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, mở lối đi vào thực tiễn cho hoạt động giáo dục – đào tạo của trường, viện. Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cũng thường xuyên tổ chức các buổi kết nối sáng tạo nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và trường Viện trao đổi thông tin về nhu cầu công nghệ, giới thiệu những công nghệ “mới ra lò” (đang ở quy mô phòng thí nghiệm), để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng cao trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ của DN. Theo quy định hiện hành, kết quả của đề tài sẽ được ưu tiên giao quyền sở hữu (hoặc quyền sử dụng) cho cơ quan chủ trì đề tài mà không phát sinh phần vốn sở hữu của Nhà nước. Đây là chính sách giúp DN liên tục đổi mới, gia tăng năng lực cạnh tranh khi có sự đầu tư tăng cường sức mạnh về khoa học, công nghệ. Đối với chương trình CONNECT, khi triển khai những nội dung như dịch vụ thuê ngoài, thù lao chuyên gia (báo cáo viên, cố vấn, ban giám khảo…) thì nhóm đối tượng là trường, viện, cơ sở ươm tạo, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được hỗ trợ tối đa lên đến 30% tổng kinh phí thực hiện (nhưng không vượt quá 200 triệu đồng). Theo Sở KH&CN TPHCM, năm 2020, TPHCM xếp thứ 19/100 hệ sinh thái khởi nghiệp mới nổi ở khu vực châu Á=Thái Bình Dương (xếp hạng do Startup Genome 2020 thực hiện). Đây là thành quả đạt được từ những chính sách hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thành phố, từ việc không ngừng phát triển mạng lưới các đơn vị hỗ trợ, hình thành và vận hành các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, câu lạc bộ khởi nghiệp... tạo được niềm tin, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |