Bản in
Hà Nội: Hoàn thiện cơ chế, hạ tầng để thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo
TP Hà Nội sẽ xây dựng Sàn giao dịch công nghệ tại Khu liên cơ quan số 258 Võ Chí Công (Xuân La, Tây Hồ) với chức năng kết nối cung - cầu công nghệ, tổ chức các phiên giao dịch công nghệ… Đó là một trong những nội dung được xác định trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII vừa được UBND TP ban hành.

 Phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình 07-CTr/TU; phân công rõ nhiệm vụ cho các đơn vị như: Sở KH&ĐT được giao chủ trì thực hiện các chỉ tiêu: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 7,0% - 7,59%. Sở NN&PTNT chủ trì thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp trên 70%. Sở TT&TT chủ trì thực hiện chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP. Sở KH&CN chủ trì thực hiện chỉ tiêu doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%...

Về tổ chức thực hiện, liên quan đến xây dựng và hoàn thiện thể chế,  TP sẽ nghiên cứu, đề xuất với T.Ư hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… Cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… Nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, đảm bảo tính khả thi để đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi).

Để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, TP sẽ hiện đại hóa hạ tầng, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý đô thị... Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới hình thành chính quyền số ở Hà Nội…

Tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia trên địa bàn trong việc tháo gỡ, giải quyết các thách thức của TP. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích các doanh nghiệp trích lập và sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

TP cũng chủ động phối hợp với Bộ KH&CN phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia. Cùng với đó, xây dựng các khu công nghệ phần mềm tập trung; xây dựng Đề án Vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hoàn thành xây  dựng dự án Khu công nghệ cao sinh học tại quận Bắc Từ Liêm…

Phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo”

Nhiều giải pháp để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế TP Hà Nội cũng được xác định. Trong đó, tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo của Thủ đô, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phấn đấu mỗi trường đại học, viện nghiên cứu là một chủ thể nghiên cứu mạnh. Hình thành và liên kết mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP (bao gồm cả tư nhân).

Xây dựng một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp: đổi mới sáng tạo (đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số…). Xây dựng cơ chế liên kết hiệu quả, thường xuyên giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trên địa bàn TP để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng công nghệ phục vụ các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thúc đẩy kết nối, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, năng lực quản trị giữa các doanh nghiệp…

Đặc biệt, phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO; triển khai đầy đủ các nội hàm của “Thành phố sáng tạo”. Xây dựng và vận hành Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo sản phẩm làng nghề Hà Nội…


 Một giờ thực hành tại Trưởng Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội

TP cũng các định xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” hoạt động theo nguyên tắc khoa học mở, đổi mới sáng tạo mở nhằm tạo kết nối, liên kết giữa người dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước, các trung tâm/chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo để tham vấn, giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Cùng với đó, TP cũng triển khai nhiều giải pháp để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP. Trong đó có việc đẩy mạnh hoạt động đặt hàng nghiên cứu các vấn đề quan trọng, cấp thiết phục vụ quá trình phát triển. Rà soát, cơ cấu lại các chương trình khoa học và công nghệ TP theo hướng tinh gọn, thiết thực gắn kết với các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia….

Để phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó sẽ xây dựng Sàn giao dịch công nghệ TP Hà Nội tại Khu liên cơ quan số 258 Võ Chí Công, Xuân La, Tây Hồ với chức năng kết nối cung - cầu công nghệ, tổ chức các phiên giao dịch công nghệ, bán đấu giá công nghệ; tổ chức hoạt động xúc tiền công nghệ trong và ngoài nước... Xây dựng một số mô hình triển lãm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…