|
|||
Nghề sản xuất nước mắm tại Hà Tĩnh đã có từ lâu đời với các phương pháp thủ công, mặc dù có chất lượng cao, song sản lượng thấp. Những năm qua, ngành KH&CN Hà Tĩnh tích cực chuyển giao công nghệ sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời. Kết quả không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm công sức mà còn tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, cao gấp nhiều lần trước đây. Nước mắm Nhất Ninh đã được thị trường đón nhận, có mặt ở nhiều kệ hàng trong các cửa hàng tạp hoá, siêu thị mini... Bà Nguyễn Thị Ninh (thôn Tam Hải 1, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) chia sẻ: "Nghề nước mắm của chúng tôi đã có lịch sử hàng trăm năm nhưng trước đây quy mô nhỏ. Những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ công nghệ đến xây dựng thương hiệu, tem nhãn, quy mô sản xuất không chỉ của gia đình mà người dân trên địa bàn đều mở rộng. Riêng nước mắm “Nhất Ninh” hiện tại có sản lượng hơn 50.000 lít/năm. Chúng tôi càng phấn khởi hơn khi nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Kỳ Ninh” sắp được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Sản phẩm mực Thạch Kim của cơ sở Ngọc Diệp được chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng hoá chất... Việc ứng dụng KH&CN trong sản xuất cũng đã nâng cao giá trị của mực Thạch Kim - Cửa Sót. Chị Nguyễn Thị Trung (thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, Lộc Hà) phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi làm nghề đi biển, để đa dạng sản phẩm, chúng tôi có chế biến một số hải sản dưới dạng phơi khô. Tuy nhiên, việc này chỉ làm cho vui, không mang nhiều ý nghĩa kinh tế. Khi các cấp, ngành quan tâm, xây dựng nhãn hiệu “Mực Thạch Kim – Cửa Sót” và hỗ trợ xây dựng thương hiệu mực Ngọc Diệp, sản phẩm của chúng tôi đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của khách hàng. Khi có thương hiệu, nhãn hiệu và được công nhận là sản phẩm OCOP, chúng tôi trở nên chuyên nghiệp hơn, cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó giá trị sản phẩm cũng tăng theo. Tính từ năm 2021, mỗi tháng, cơ sở thu lãi không dưới 50 triệu đồng”. Mực Ngọc Diệp Thạch Kim đã xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường nhiều địa phương trong cả nước Nước mắm, mực khô chỉ là hai trong hàng trăm sản phẩm nông sản ở Hà Tĩnh nhờ ứng dụng KH&CN đã nâng cao giá trị, góp phần tăng thu nhập cho người dân. KH&CN đã đóng góp vào cơ bản các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Từ việc khảo nghiệm, lựa chọn các giống có năng suất, chất lượng cao đến hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong khâu sản xuất và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hỗ trợ tiêu thụ nông sản… Ông Trần Mạnh Hùng – Quyền Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành (Sở KH&CN) cho hay, riêng trong việc bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ, ngành KH&CN đã đáp ứng 80% các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản và sản phẩm làng nghề, sản phẩm xuất khẩu được đăng ký bảo hộ thương hiệu và hình thành hệ thống quản lý, phát triển tài sản trí tuệ. Đáng nói, có 15 sản phẩm đặc sản được đăng ký bảo hộ thương hiệu, chuẩn hóa về chất lượng và hệ thống nhận diện thương hiệu. Theo kết quả điều tra của ngành KH&CN cho thấy, sau khi được thiết lập quyền sở hữu trí tuệ, giá trị thương hiệu và giá trị sản phẩm tăng từ 15-25% và giữ ổn định; thị trường tiêu thụ được phát triển theo chuỗi ngành hàng liên kết. Việc khảo nghiệm đưa các giống mới vào sản xuất đã góp phần đa dạng hoá giống nông sản, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích (ảnh tư liệu). Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn cho biết, với sự khuyến khích, kích cầu bằng chính sách đã tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tích cực đầu tư ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trình độ công nghệ, tình hình ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu tăng nhanh sản phẩm chất lượng cao. Do vậy, ngành KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phấn đấu nâng cao trình độ công nghệ và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững. |