|
|||
Bài 1: Ðiểm sáng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) miền núi phía bắc, việc ứng dụng KHCN đã đóng góp không nhỏ nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa chủ lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian tới, các địa phương cần ưu tiên thế mạnh, chọn lựa mô hình phù hợp để mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn... Thay đổi nếp nghĩ, đổi mới cách làm Bắc Kạn là một trong những tỉnh có vùng trồng cam, quýt lớn với diện tích khoảng 3.300 ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Bạch Thông và Chợ Ðồn. Mặc dù có giống quýt bản địa, được cấp chỉ dẫn địa lý, nhưng do vị quả chua đặc trưng cho nên khó tiêu thụ, giá trị kinh tế không cao. Bám sát thị hiếu người tiêu dùng, từ năm 2014, Bắc Kạn chỉ đạo triển khai đề tài "Xây dựng mô hình trồng cam Xã Ðoài", chọn 60 cây cam Xã Ðoài ưu tú để khai thác mắt ghép phục vụ nhân giống, đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân. Các mô hình thử nghiệm ở Chợ Ðồn và Na Rì đã cho thấy hiệu quả vượt trội của giống mới lần đầu tiên đưa vào đồng đất Bắc Kạn. Ngoài các ưu điểm về năng suất, chất lượng thơm, ngọt, nhiều nước, cam Xã Ðoài chín sớm hơn các giống cam, quýt của địa phương, chỉ sau ba năm, vườn cam bói quả, đến năm thứ tư, bình quân thu được từ 5 đến 6 kg quả/cây, giá bán trung bình 40 nghìn đồng/kg, thu nhập mang lại gấp bốn, năm lần so với trồng lúa, ngô. Một héc-ta cam Xã Ðoài với mật độ trồng 400 cây ở độ tuổi thứ năm sẽ cho thu hoạch khoảng 8 tấn quả/vụ, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí là 125 triệu đồng/ha. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Na Rì Hoàng Thu Nguyệt cho biết: "Nhu cầu thị trường về loại cam này rất lớn, nên thuận lợi cho phát triển trở thành cây trồng hàng hóa của địa phương. Ðến nay, toàn huyện đã mở rộng diện tích lên 225 ha". Ngành nông nghiệp Bắc Kạn đang khuyến khích mở rộng diện tích trồng cam Xã Ðoài tại các vùng đồi, nương bãi, đất một vụ kém hiệu quả tại các huyện Na Rì, Bạch Thông và Chợ Mới. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Ðiện Biên đã triển khai 217 mô hình trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi… với tổng kinh phí thực hiện gần 24 tỷ đồng. Giám đốc Sở NN và PTNT Ðiện Biên Bùi Minh Hải nhắc tới các mô hình điển hình như: sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; khảo nghiệm, thử nghiệm, trình diễn giống lúa mới; chăn nuôi bò sinh sản thâm canh; thâm canh cá rô phi đơn tính thương phẩm hướng theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm… Trên cánh đồng Mường Thanh, huyện Ðiện Biên, TP Ðiện Biên Phủ và cánh đồng các huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Lay, từ năm 2018 bắt đầu thí điểm triển khai 10 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý lúa bị lẫn giống với diện tích 33 ha có sự tham gia của 183 hộ dân, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), đã cho kết quả tích cực. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ kinh phí mua máy cấy bằng tay; được hướng dẫn phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, chăm sóc, bón phân theo quy trình, do vậy giảm tỷ lệ lúa lẫn giống đến 90% so với gieo vãi truyền thống, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật chỉ còn một phần ba, từ đó giảm chi phí sản xuất, cải thiện chất lượng gạo, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. 370 ha được áp dụng mô hình IPM hiện nay cho thấy thành công của mô hình không chỉ đơn thuần là thu hút sự tham gia của bà con mà còn từng bước làm thay đổi thói quen trong sản xuất, hướng tới sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại. Nhờ đó, năm 2020 dù gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, song so với năm 2019, sản xuất nông nghiệp của Ðiện Biên vẫn phát triển khá ổn định, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt hơn 3.819 tỷ đồng (tăng 2,38%). Ðóng góp của ngành nông nghiệp vào GRDP của tỉnh chiếm 18,76% (tăng 1,52%).
Bên cạnh các chương trình, dự án ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH và CN từ các viện nghiên cứu, trường đại học đến các địa phương vùng DTTS và MN, trong 10 năm qua, Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng DTTS" (Chương trình Nông thôn miền núi) của Bộ KHCN đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến, phù hợp và giúp hàng nghìn nông dân nắm vững, làm chủ quy trình công nghệ. Thứ trưởng KHCN Nguyễn Hoàng Giang đánh giá: "Việc triển khai thực hiện dự án tại khu vực này mặc dù gặp nhiều khó khăn cả về công tác quản lý và tổ chức thực hiện, do nhiều yếu tố như điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất còn thiếu thốn và nhận thức của người dân còn hạn chế…, nhưng chương trình tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo đà nhanh để đưa các thành tựu KHCN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển ở vùng DTTS và MN". Cú huých từ lợi thế vùng Những năm qua, việc ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của tỉnh. Ðơn cử như việc ứng dụng KHCN vào sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty cổ phần chè Tam Ðường giúp tăng sản lượng nương chè lên 30% và bảo đảm nguồn nguyên liệu đạt chuẩn để xuất khẩu; chế biến sản phẩm chè Ô Long, xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc); ứng dụng kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán và quy trình bón phân giúp các loại cây ăn quả ôn đới như lê, đào của huyện Tam Ðường tăng năng suất gần 80%... Theo thống kê của Sở KHCN Lai Châu, trong giai đoạn 2015 - 2020 có chín dự án ứng dụng tiến bộ KHCN, chuyển giao 60 quy trình kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất với 80 mô hình được triển khai tại hầu hết các huyện trong tỉnh. Trong khi Lai Châu thành công đưa các đặc sản như gạo Tẻ râu, Séng cù, Khẩu ký, Nếp tan Co Giàng… trở thành sản phẩm chủ lực, vươn ra thị trường bên ngoài và được sự công nhận của người tiêu dùng, thì Bắc Kạn quyết tâm đầu tư hơn 20 tỷ đồng thực hiện dự án KHCN, nhờ đó cấp chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc trưng như gạo Bao thai Chợ Ðồn, miến dong, cam, quýt, gạo nếp Khẩu Nua Lếch, hồng không hạt. Trước thực trạng hàng chục héc-ta chè Shan tuyết cổ thụ ở huyện Chợ Ðồn bị bỏ quên, người dân đào cả gốc bán cho người chơi cây cảnh, tỉnh Bắc Kạn thực hiện dự án giúp mở rộng diện tích lên hàng trăm héc-ta để sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết do Viện Khoa học, kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía bắc triển khai. Cơ hội mới mở ra cho nơi đây khi dự án xây dựng 30 ha chè canh tác theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và canh tác hữu cơ được triển khai; năng suất chè tăng từ 194% đến 243%; hiệu quả sản xuất nguyên liệu tăng 270% đối với mô hình VietGAP và 214% đối với mô hình hữu cơ. Không thể phủ nhận Bắc Kạn là điển hình trong cả nước về triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) khi trao cho bà con các DTTS cơ hội đổi mới tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm chủ công nghệ, kỹ thuật, không chỉ phát triển sản phẩm mà còn ngày càng nâng cao chất lượng và đổi mới hình thức sản phẩm phù hợp thị trường. Ðiều đáng ghi nhận là, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ giảm nghèo của Bắc Kạn đạt gần 2,5%/năm, các huyện nghèo có tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,19%/năm.
Nông dân huyện Na Rì (Bắc Kạn) có thu nhập cao nhờ các mô hình trồng cam, quýt Cũng giống như Lai Châu và Bắc Kạn, trong số rất nhiều sản phẩm địa phương thì Ðiện Biên xác định ưu tiên đầu tư khoa học - kỹ thuật cho phát triển sản phẩm chủ lực, đó là gạo Ðiện Biên sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống người dân. Theo đó, từ năm 2018, tại cánh đồng Mường Thanh trong lòng chảo Ðiện Biên, huyện Ðiện Biên bắt đầu triển khai vận động nhân dân dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hỗ trợ máy móc sản xuất, thu hoạch, chế biến; khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư liên kết với nông dân sản xuất lúa chất lượng cao. Huyện Ðiện Biên ban hành chính sách hỗ trợ thí điểm dồn điền đổi thửa bằng các quy định cụ thể như hỗ trợ 90% chi phí xây dựng đường giao thông; hỗ trợ 100% thủy lợi phí; hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa... Với nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn thì ngoài các chế độ hỗ trợ trên, còn được hỗ trợ thuê đất làm nhà xưởng, hỗ trợ đầu tư máy móc chế biến, đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc. Do có chính sách hỗ trợ cụ thể, chỉ sau hai năm xã Thanh Hưng đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa với diện tích đạt hơn 100 ha. Chính sách liên kết sản xuất gạo chất lượng cao trên cánh đồng Mường Thanh bước đầu thu hút nhiều nhà đầu tư hợp tác sản xuất. Ðến cuối năm 2020, Ðiện Biên đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 1.800 ha tại cánh đồng Mường Thanh, tiếp tục triển khai hiệu quả hai mô hình cánh đồng lớn quy mô 53 ha tại các xã Thanh Yên, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên). Một thực tế là hiện nay, số lượng các doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn tham gia liên kết cùng bà con nông dân như ở Ðiện Biên chưa có nhiều ở vùng đồng bào DTTS và MN. Nguyên nhân vướng mắc là do chưa có cơ chế chính sách ưu tiên, đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp và nhà đầu tư; việc liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân còn hạn chế. Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp lại rất khiêm tốn, nhất là các hoạt động liên quan đến chế biến nông sản hay ứng dụng KHCN trong chăn nuôi, trồng trọt... Bởi vậy, trong khi nguồn lực tại chỗ còn hạn chế, để tạo bước đột phá trong cơ cấu lại nông nghiệp, việc chủ động tận dụng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm chủ lực, gắn với đẩy mạnh ứng dụng KHCN chính là cú huých tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương khu vực miền núi phía bắc. Mỗi địa phương lựa chọn cho mình hướng đi riêng, cụ thể như chọn lựa mô hình nông nghiệp phù hợp với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng KHCN; đồng thời chủ động, vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong các mối liên kết mở ra nhiều cơ hội mới, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn trong thời gian tới…
|