|
|||
Tích cực thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tập trung vào 3 nhiệm vụ: Rà soát hệ thống chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (nhiệm vụ số 1); triển khai có hiệu nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm cung cấp luận cứ khoa học và các giải pháp kỹ thuật thông qua các nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia và hợp tác quốc tế theo Nghị định thư với nước ngoài (nhiệm vụ số 2 và 3). Thông qua các chương trình KH&CN, Bộ KH&CN đã thực hiện nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro thiên tai (hạn mặn) vùng nuôi thủy sản, trồng trọt ven biển ĐBSCL. Đồng thời đánh giá nguyên nhân, cơ chế tác động và các yếu tố ảnh hưởng đến bồi, xói vùng cửa sông ven bờ biển là cơ sở giải quyết vấn đề xói lở, bồi tụ, bồi lấp cửa sông và bờ biển tại vùng cửa sông, đem lại những lợi ích cho giao thông thủy, tiêu thoát lũ cho dòng sông, đảm bảo an ninh quốc phòng và có lợi cho các địa phương phía thượng nguồn các lưu vực sông. Một số kết quả điển hình là đã nghiên cứu thành công giải pháp công nghệ đê trụ rỗng và mặt cắt đê biển có cấu kiện tiêu sóng trên đỉnh; xây dựng được mô hình ứng dụng công nghệ tiêu tán, hấp thụ, giảm năng lượng sóng, chống xói lở bờ biển phía Đông ĐBSCL (tại Nhà Mát, Bạc Liêu) và mô hình ứng dụng công nghệ tiêu tán, hấp thụ, giảm năng lượng sóng, chống xói lở bờ biển phía Tây đồng bằng sông Cửu Long (Bắc Đá Bạc- Cà Mau). Các mô hình đã được Bộ NN&PTNT cùng UBND các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau khẳng định giải pháp đã ổn định, đảm bảo các mục tiêu là bảo vệ được bờ biển, chống sạt lở đồng thời có tác dụng tích phù sa và rừng ngập mặn sẽ mọc lại. Đánh giá về hiệu quả của việc sử dụng đê trụ rỗng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, công trình đê trụ rỗng đã mang lại hiệu quả bước đầu khá ấn tượng khi vừa giảm được sóng tác động lên đê, vừa có khả năng gây tạo bãi bồi phục vụ trồng rừng phòng hộ. Đặc biệt, công nghệ này có thể sản xuất được ở quy mô công nghiệp và dễ dàng thi công với chi phí thấp hơn một số biện pháp công trình khác. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng tập trung nghiên cứu sự biến đổi môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong thuộc lãnh thổ Việt Nam và đánh giá tác hại của các hoạt động kinh tế không được kiểm soát tại vùng thượng lưu sông Mekong. Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp luận cứ để các bộ, ngành địa phương tích hợp các giải pháp vào quy hoạch ngành, lĩnh vực. Đồng thời phối hợp với các đối tác Đức xây dựng cổng kiến thức Mekong (MKH) để cung cấp dữ liệu thông tin theo địa chỉ https://catchmekong.eoc.dlr.de/Elvis/. MKH tích hợp toàn bộ dữ liệu hình thành từ đề tài của tất cả các đối tác trong dự án CatchMekong. Dữ liệu bao gồm các chủ đề như giám sát môi trường và chế độ dòng chảy của lưu vực sông Mekong và ĐBSCL, các thông số liên quan đến nước như chất và lượng nước, trầm tích... Bộ cũng triển khai xây dựng hệ thống thu trữ nước mưa thí điểm ở tỉnh Cà Mau như mô hình 350 m3 cấp nước sinh hoạt cho 20 hộ dân ở xã Khánh Hưng huyện Trần Văn Thời; mô hình thu nước mưa cho uống trực tiếp ở huyện Thới Bình; 2 mô hình thu nước mưa cho sản xuất với quy mô 140 m3 ở các huyện Năm Căn và huyện Thạch Phú; với chi phí thấp phù hợp với yêu cầu thu nước khối lượng lớn để nâng cao tiềm năng thu hoạch nước mưa. Ngoài ra, Bộ KH&CN đã nghiên cứu xác định nguyên nhân, cơ chế và đề xuất các giải pháp khả thi về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế nhằm hạn chế xói lở, bồi lắng cho hệ thống sông ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu nổi bật cung cấp cho các địa phương xây dựng được bản đồ hiện trạng sạt lở trên toàn hệ thống sông ĐBSCL năm 2017 và cập nhật mới đến cuối năm 2019. Phân tích được 7 nhóm nguyên nhân, cơ chế ảnh hưởng đến xói bồi các sông ĐBSCL. Đồng thời đề xuất các giải pháp hạn chế bồi lắng, xói lở phù hợp cho từng vùng cụ thể. Trong đó, có giải pháp sử dụng lốp xe ô tô cũ, túi vải địa kỹ thuật bảo vệ bờ ứng dụng thi công trên một vị trí sạt lở bờ kênh Long Xuyên-Rạch Giá thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang dài 100m bằng sử dụng túi vải địa kỹ thuật (D box) và sử dụng lốp xe ô tô cũ, đoạn kè này đến thời điểm tháng 10/2020 rất ổn định, trên mái kè đã được phủ xanh bởi lớp thực vật. Ngoài ra, còn giải pháp tạo chặn phên tre, tạo bãi trồng cây mắm để gây bồi, ứng dụng thi công tại một vị trí trên bờ kênh Lương Thế Trân, thuộc xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu, công nghệ dự báo, cảnh báo sớm Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ trước thềm Hội nghị của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên (Bộ KH&CN) nhấn mạnh đến công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, công nghệ dự báo giám sát nguồn nước, xâm nhập mặn ĐBSCL và các giải pháp công nghệ và cơ chế chính sách trong ứng phó xâm nhập mặn (chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy trình và thời gian canh tác...). Theo ông Lê Quang Thành, hạn hán, xâm nhiễm mặn ở ĐBSCL là một thách thức lớn, với diễn biến khó lường của biển đổi khí hậu cùng với việc khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong sẽ tác động nhiều đến tài nguyên nước của ĐBSCL. Do đó, bên cạnh những giải kỹ thuật ứng phó, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ dự báo, cảnh báo sớm là một trong những giải pháp được ưu tiên trong các chỉ đạo gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ cho công tác phòng, chống loại hình thiên tai này. Dù đây là việc quan trọng nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp bởi điều kiện đầu vào phục vụ công tác dự báo (nguồn nước từ sông Mekong, điều kiện khí tượng thủy văn, kinh tế xã hội...) chứa các yếu tố không chắc chắn. Hơn nữa, mật độ trạm quan trắc về các yếu tố thủy văn, môi trường... và chuỗi số liệu còn thưa và gián đoạn. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động phục vụ công tác dự báo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Ngoài ra, để tích hợp đồng bộ cơ sở dữ liệu và giải pháp kỹ thuật phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu, các Bộ, ngành địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ như: Tích hợp quy hoạch; quản lý tổng hợp tài nguyên; giải pháp tái cơ cấu các ngành; xây dựng kế hoạch liên vùng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp KH&CN đảm bảo nguồn nước lâu dài, cấp nước ngọt chủ động và hợp cho các vùng khan hiếm nước ven biển ĐBSCL (xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh và khai thác nước ngầm tại các khu vực nguồn nước ngầm bảo đảm về chất lượng, trữ lượng); nghiên cứu giải pháp KH&CN đảm bảo an toàn hạ tầng thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện hạn mặn kéo dài. Các địa phương và doanh nghiệp vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh công tác thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), nhất là các tập đoàn kinh tế lớn của các nước phát triển có sử dụng hàm lượng công nghệ cao, tạo ra giá trị hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu. Xây dựng các trung tâm logistics được công nhận phân bố rộng khắp cho cả vùng ĐBSCL. Các doanh nghiệp trong vùng cũng cần nhanh chóng thay đổi công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra những sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng chất xám công nghệ, giá trị cao để nâng giá trị và tăng sức cạnh tranh với các nước.
|