Bản in
Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển vùng Tây Nam Bộ
Vùng Tây Nam Bộ có diện tích hơn bốn triệu héc-ta, dân số 20 triệu người, đóng góp hơn 20% GDP mỗi năm và giữ vai trò số một của quốc gia trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) triển khai chương trình cấp quốc gia “Chương trình KH và CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” (viết tắt là Chương trình Tây Nam Bộ). Qua sáu năm triển khai, chương trình đã có nhiều đóng góp cho vùng Tây Nam Bộ.

 

Chường trình Tây Nam Bộ do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đồng chủ trì. Theo PGS, TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Thường trực Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Chương trình Tây Nam Bộ yêu cầu tiếp cận theo hướng liên ngành, liên vùng, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định, triển khai các chiến lược, mô hình và chính sách phát triển bền vững cho vùng Tây Nam Bộ, đồng thời đưa ngay những thành tựu KH và CN vào giải quyết các vấn đề bức xúc, mang lại hiệu quả tối ưu về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường sinh thái. Thực hiện từ năm 2014 đến nay, Chương trình Tây Nam Bộ có bảy nhiệm vụ đã được nghiệm thu cấp quốc gia, với nhiều đề tài, dự án được ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Thí dụ, đề tài “Khảo sát, đánh giá, xây dựng các giải pháp công nghệ hiện đại, tối ưu để sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm sinh khối (trấu) theo hướng sản xuất năng lượng bền vững” do Trường đại học Bách Khoa chủ trì đã xây dựng được các mô hình sản xuất năng lượng từ trấu ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần giúp tăng thu nhập trên một đơn vị sản xuất, từng bước thay đổi tập quán sử dụng sinh khối cho nông dân vùng trồng lúa. Ðề tài “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý đồng bằng sông Cửu Long” do Trung tâm Ðịa Tin học, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì đã được Văn phòng UBND thành phố Cần Thơ đề nghị chuyển giao kết quả nghiên cứu để ứng dụng trong đánh giá mối tương quan giữa phát triển đô thị và ngập. Ðề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ plasma lạnh trong nuôi trồng thủy sản” do Trường đại học Cần Thơ chủ trì đã tạo ra plasma lạnh từ hiện tượng phóng điện ở điện áp xung. Qua thử nghiệm nuôi cá lóc và con giống tôm càng xanh bằng nước cấp sau xử lý plasma cho thấy cá, tôm phát triển tốt, tỷ lệ sống cao và ít có biểu hiện nhiễm bệnh... Ðáng chú ý, nhiều đề tài đã xây dựng được các mô hình để ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nông dân trong vùng. Thí dụ đề tài “Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị cho ngành hàng cây có múi” đã phân tích đầy đủ hơn so với các nghiên cứu trước đây về chuỗi giá trị bưởi da xanh, bưởi Năm Roi và cam sành vùng Tây Nam Bộ, xây dựng được mô hình sản xuất  bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, mô hình sản xuất bưởi Năm Roi đạt GlobalGAP, mô hình sản xuất cam sành đạt VietGAP; và bảng tiêu chuẩn chất lượng cho ba loại sản phẩm nêu trên. Các đơn vị thuộc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nghiên cứu tạo ra túi chứa nước ngọt phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện vùng Tây Nam Bộ để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong mùa hạn mặn .

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Ðạt cho biết, hầu hết các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình Tây Nam Bộ đã và đang được chuyển giao cho các ban, bộ, ngành, địa phương hoặc các doanh nghiệp. Chương trình Tây Nam Bộ đã thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng và liên kết vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực (lúa, cây ăn quả, thủy sản), thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng.

Theo các nhà khoa học, thời gian tới, cần có chiến lược ứng dụng hiệu quả những kết quả nghiên cứu và nghiên cứu thêm những vấn đề đang thiếu như: Làm sao để có nước ngọt trong mùa khô, giải pháp giữ nước mùa lũ lụt để sử dụng cho mùa khô... Các nhiệm vụ được triển khai trong giai đoạn 2014 - 2020 sẽ là cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm, đồng thời mở rộng quy mô và nghiên cứu chiều sâu trong thời gian tới.