|
|||
Hơn 60 doanh nghiệp khởi nghiệp đã tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm, trình diễn công nghệ về đô thị thông minh, nông nghệp công nghệ cao, y tế, giáo dục,... . Đồng thời, kết nối kinh doanh với các nhà đầu tư nhằm mở ra những cơ hội trao đổi, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp tham gia triển lãm còn được tham gia không gian triển lãm trực tuyến tại nền tảng Techfest 247-WHSIE. Nền tảng này kết nối cộng đồng khởi nghiệp, KH&CN, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo 63 tỉnh thành và hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Ngoài ra, Techfest Đông Nam Bộ 2020 còn diễn ra các hội thảo với các chủ đề như chuyển đổi số, đô thị thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp công nghệ cao,... Phát biểu khai mạc, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN cho biết, năm 2020 là một năm có nhiều biến động và thách thức trên cả thế giới. Việt Nam đã và đang trải qua những thời khắc với những thách thức chưa từng có trong lịch sử, đó là thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. “Đây không chỉ là tạo ra những thách thức mới, mà còn là những cơ hội mới. Cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bứt phá, cơ hội cho việc ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo ngày càng rõ nét hơn” – ông Trần Xuân Đích nhấn mạnh và cho rằng, để làm được điều đó, cốt lõi phụ thuộc vào các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khai thác, tận dụng nguồn lực, phát triển lợi thế của mình để vượt qua thách thức.
GS.TS. Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ tại Techfest Đông Nam Bộ 2020 Ông Trần Xuân Đích cho biết thêm, tại vùng Đông Nam Bộ đã có những bước phát triển đột phá trong thời gian vừa qua. TPHCM hiện ở vị trí 19 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong bảng xếp hạng 100 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi 2020 (theo đánh giá của Startup Genome 2020); Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tại Bình Dương đã có nhiều hoạt động tích cực. Việc phát triển mạng lưới các đơn vị hỗ trợ, cung cấp cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có tín hiệu tích cực như hình thành và vận hành các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, câu lạc bộ khởi nghiệp,... Các hoạt động tại khu vực Đông Nam Bộ đã có tính lan tỏa, bên cạnh thành phố tập trung về khởi nghiệp như TPHCM, tại các địa phương khác trong vùng cũng đã có những hoạt động về khởi nghiệp sôi nổi như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu,... “Techfest Đông Nam Bộ 2020 sẽ là nền tảng tăng cường sự liên kết và phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo giữa các địa phương trong vùng và cả nước. Qua đó, tìm ra được những doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu, có tiềm năng tại Đông Nam Bộ để ươm tạo và thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới”, ông Đích nói và cho rằng, để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái. “Việc tăng cường liên kết viện – trường – doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và khai thác, vận dụng có hiệu quả các tài sản trí tuệ sẽ là cốt lõi để hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có đủ sức mạnh về trí tuệ, nội lực và sức bật để bứt phá trong tương lai”, theo ông Trần Xuân Đích. GS. TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ, Techfest Đông Nam Bộ 2020 không chỉ là ngày hội giới thiệu các mô hình điển hình kết nối hệ sinh thái địa phương, các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp, mà còn là dịp các cơ quan quản lý trung ương và địa phương lắng nghe, tiếp nhận những ý kiền đề xuất của các doanh nghiệp. Từ đó, có những nhận định, đánh giá, đưa ra kiến nghị chính sách cho Techfest quốc gia các vấn đề về xây dựng cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở một số lĩnh vực thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM chia sẻ tại Techfest Đông Nam Bộ 2020 Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho biết, thời gian qua, TPHCM đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ tích cực cho cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thành phố. Trong Đại hội Đảng bộ của TPHCM vừa qua cũng đã chính thức thông qua đề án, tiếp tục hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021 – 2025. “Thông qua sự kiện Techfest Đông Nam Bộ, TPHCM mong muốn sự hợp tác giữa các tỉnh Đông Nam Bộ nói riêng và các tỉnh thành khác nói chung, ngày càng có những hoạt động tích cực để hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ. Trong khuôn khổ Techfest Đông Nam Bộ 2020 có 01 Tọa đàm và 04 Hội thảo chuyên đề. Các phiên hội thảo dành không gian cho các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp và lãnh đạo địa phương cùng thảo luận về chiến lược phát triển của nền kinh tế Việt Nam với các chủ đề “nóng” hiện nay như: Chuyển đổi số, Đô thị thông minh, Giáo dục thông minh, Nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ tài chính, Công nghệ Y tế, và Công nghệ tiên phong (trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối,…) Chương trình có sự tham gia cố vấn, trao đổi của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đang là giảng viên, nhà nghiên cứu tại UEH và các đối tác quốc tế. Techfest Đông Nam Bộ 2020 được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, hội tụ các lãnh đạo Sở/Ban Ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.
Các gian hàng tham gia Triển lãm tại Techfest Đông Nam Bộ 2020 Techfest Đông Nam Bộ 2020 là một trong những đóng góp tích cực của Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cùng Chính Phủ, Nhà nước, Khu vực Kinh tế tư nhân phát triển nền kinh tế Việt Nam dựa trên khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo. Đây còn là cơ hội lớn cho Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, với vai trò tiên phong trong việc nâng cao năng lực ứng dụng thực tiễn, khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong mỗi con người, phát triển các nhà kinh tế - quản trị xuất sắc cho xã hội. Là một trong những hoạt động tiếp nối chương trình “Kết nối cộng đồng - Lan tỏa tri thức” tập hợp và phát huy tổng thể sức mạnh các nguồn lực của “05 nhà”, bao gồm: nhà trường - nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - cộng đồng, tạo thành một mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và quốc tế. Tin, ảnh: PV
|