Bản in
Bắc Giang: Ứng dụng KH&CN để phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tỉnh Bắc Giang không ngừng tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Có được kết quả trên là do sự đóng góp hiệu quả của nhiều ngành, lĩnh vực trong đó nổi bật là việc tăng cường ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vào phát triển kinh tế - xã hội nhất là khu vực nông thôn miền núi.

Ngày 12-13/11, tại khu hội nghị tỉnh Bắc Giang, Bộ KH&CN phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình nông thôn, miền núi toàn quốc giai đoạn 2016-2020, định hướng thực hiện giai đoạn 2021-2025. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh? 

Ông Lê Ánh Dương: Thành tựu KH&CN trong thời gian qua là một trong những giải pháp, công cụ đóng góp tích cực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 13,5%, vượt mục tiêu đề ra và luôn nằm trong các tỉnh đứng đầu cả nước. Chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện theo hướng bền vững trên cơ sở thu hút được nhiều dự án đầu tư sản xuất chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Theo đó, đời sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi dần được cải thiện, sung túc hơn.

Bắc Giang, với diện tích khoảng 3.800 km2, tiếp giáp với 06 tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội, dân số hiện nay trên 1,7 triệu người, trong  đó có hơn 12% là đồng bào dân tộc ít người, hơn 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, 53,6% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Bắc Giang nằm trong vùng đệm giữa Thủ đô và biên giới phía Bắc, nằm trên 02 hành lang kinh tế, có nhiều tiềm năng phát triển trên cả 3 lĩnh vực: công  nghiệp, thương mại – dịch vụ và nông nghiệp. 

Thành tựu nổi bật để đạt được và vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội gắn với phát triển KH&CN trong những năm qua là sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy đảng, chính quyền. Đồng thời có được sự quan tâm chỉ đạo, sát sao của Bộ KH&CN và các bộ, ngành trung ương. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa UBND tỉnh Bắc Giang với Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, giai đoạn 2014-2020. Chương trình được ký kết, các bên đã tích cực chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung nguồn lực để thực hiện. Những kết quả đó đã góp phần nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động của KH&CN tỉnh Bắc Giang, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bộ KH&CN đã có những hỗ trợ như thế nào trong việc đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đến với thực tiễn sản xuất vùng Nông thôn và miền núi trên địa bàn tỉnh?

Ông Lê Ánh Dương: Những năm qua, Bộ KH&CN đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang Chương trình Nông thôn miền núi, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện 11 dự án KH&CN, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương chiếm 29,0 %, ngân sách địa phương là chiếm 15,7 % và huy động từ dân và doanh nghiệp chiếm 55,3 %.

Các dự án đã góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho KH&CN, Chương trình đều chú trọng đến các nội dung chuyển giao làm chủ các quy trình công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người dân; tăng cường trình độ chuyên môn và năng lực chỉ đạo sản xuất cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở là người địa phương, người dân tộc. Khả năng tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân ở vùng nông thôn miền núi và hiệu quả sản xuất được tăng lên rõ rệt. Góp phần làm chuyển biến nhận thức và cách làm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và của nhân dân trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, ổn định đời sống nhân dân. Đưa các tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình với các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến phù hợp với địa phương. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng một nền sản xuất hàng hoá tập trung. Gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, khai thác lợi thế về các sản phẩm đặc thù của từng vùng sinh thái.

Ông Lê Ánh Dương đi thăm quan các gian hàng tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình nông thôn, miền núi toàn quốc giai đoạn 2016-2020.

 

Xin ông chia sẻ một số dự án thành công của tỉnh Bắc Giang khi tham gia vào Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2020?

Ông Lê Ánh Dương: Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai ứng dụng nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, giá trị thương mại và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa chủ lực, hình thành các vùng sản xuất tập trung (cây ăn quả Lục Ngạn, rau chế biến Yên Dũng, Lục Nam, chè Yên Thế v.v…),  Với 8 sản phẩm chủ lực được tỉnh công nhận và hàng năm tạo ra giá trị gia tăng lớn nhờ ứng dụng KH&CN. Trong đó phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới. Từng bước xây dựng thành phố Bắc Giang trở thành đô thị thông minh. Ứng dụng công nghệ IoT và AI vào quản lý, quản trị doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Phát triển Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến, kết nối cung - cầu công nghệ. Năm 2019, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 28/63 trong xếp hạng chỉ số ICT INDEX của cả nước

Những năm trở lại đây, tỉnh Bắc Giang xác định ứng dụng tiến bộ KH&CN vào xây dựng nông thôn mới là nội dung trọng tâm, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao bền vững. Từ đó, góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo nông thôn địa phương. Công ty TNHH Sinh vật cảnh Hoàng Linh đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện Dự án nông thôn miền núi “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết tại tỉnh Bắc Giang”. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất RAT sẽ được nhân rộng với quy mô gấp khoảng 3-5 lần. Sau 2 năm triển khai dự án Công ty đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Cũng tại tỉnh Bắc Giang, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất nhãn chín muộn PHM99-1.1, bưởi đỏ Hòa Bình và ổi OĐL1 tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang". Dự án đã tiến hành chuyển giao và tiếp nhận 11 quy trình công nghệ sản xuất nhãn chín muộn PHM99-1.1, bưởi đỏ Hòa Bình và ổi OĐL1. Xây dựng 0,2ha vườn ươm nhân giống phục vụ phát triển sản xuất. Năng lực sản xuất 10 vạn cây/năm. Trong thời gian thực hiện dự án, sản xuất 15 vạn cây giống các loại,..

Xin cảm ơn ông

Bài, ảnh: Ánh Tuyết – Phương Hoàn