|
|||
Trước thực trạng trên, mới đây Diễn đàn bàn giải pháp KH&CN thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL đã được tổ chức tại Sóc Trăng. Diễn đàn là cơ hội để trao đổi, đánh giá thực trạng việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất nông nghiệp gắn liền với du lịch cũng như đề xuất giải pháp phù hợp để thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham gia có hiệu quả, gắn vai trò KH&CN trong việc thúc đấy phát triển du lịch nông nghiệp của vùng. Thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp ĐBSCL Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn trên 40 ngàn km2 chiếm 12% diện tích, có trên 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, có lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Đây là khu vực duy nhất của cả nước tiếp giáp vừa Biển Đông và cả Biển Tây với bờ biển dài 750 km2, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước; ĐBSCL là cửa ngõ ra Biển Đông, thuận tiện giao thông với các nước Tiểu vùng sông Mekong, Đông Nam Á, kết nối đường hàng hải quốc tế với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với lợi thế có được, hoạt động du lịch nông nghiệp của ÐBSCL những năm qua đã có cải thiện đáng kể. Một số tỉnh của vùng như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh,… đã hình thành nhiều điểm du lịch nông nghiệp. Đến đây, du khách có thể vào vai người nông dân tự tay hái quả, làm vườn, được nghỉ ngay tại nhà dân và xung quanh là những vườn cây trái trĩu quả. Ngoài ra, du khách còn có dịp tham quan những làng nghề truyền thống, các lò bánh, lò gốm, hoặc đi thăm các chợ nổi truyền thống,… Mô hình này đã bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân, kích thích sự sáng tạo trong các hoạt động kinh tế và kinh doanh ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động du lịch nông nghiệp hiện nay ở ĐBSCL vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm hoặc không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao… Bàn giải pháp ứng dụng KH&CN, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp Theo số liệu thống kê, diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản khoảng 30% của cả nước nhưng ĐBSCL góp hơn 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước, gạo chiếm hơn 50%. Tuy nhiên, thời gian qua, ĐBSCL đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn… Những yếu tố này khiến cho tốc độ tăng trưởng, năng suất, diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều giảm, ảnh hưởng tiêu cực tới sinh kế của người dân và sự phát triển của vùng. Chính vì vậy, việc đưa KH&CN, đặc biệt áp dụng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, mô phỏng, robot tự hành, tính toán lượng tử, tính toán lưới…vào nông nghiệp - du lịch vùng ĐBSCL là rất cần thiết. PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc phát triển du lịch nông nghiệp góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể cũng như các ngành nghề truyền thống. Tuy nhiên, trong các cuộc Hội thảo trước đây, hầu như chưa nhắc đến vai trò của KH&CN một cách cụ thể trong việc phát triển loại hình này, chưa đặt vấn đề KH&CN phải làm gì? Vì hiện nay KH&CN không chỉ là động lực trực tiếp mà đã và đang được xác định là lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Vì thế, cần có những trao đổi cụ thể để doanh nghiệp và người dân thấy được vai trò, làm cơ sở nghiên cứu, đầu tư một cách bài bản hơn.
Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo Theo Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN Địa phương Trần Văn Quang, tiềm năng và dư địa để phát triển du lịch nông nghiệp tại Vùng ĐBSCL là rất lớn. Qua diễn đàn các viện, trường, các ngành chuyên môn, các doanh nghiệp du lịch, các tỉnh, thành ĐBSCL cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm và bàn giải pháp ứng dụng KH&CN, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, cũng như tháo gỡ các khó khăn cho các địa phương trong phát triển du lịch nông nghiệp. Thông qua đó, đề xuất, kiến nghị đến với UBND các tỉnh, thành phố trong Vùng, các bộ, ngành liên quan có chỉ đạo với những giải pháp và sự hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp trong thời gian tới. Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng Vũ Thị Hiếu Đông cho rằng: Mục tiêu chính của Hội thảo nhằm chia sẻ học tập kinh nghiệm từ các đại biểu đến từ các viện, trường, các ngành liên quan tại các tỉnh ĐBSCL để giúp cho ngành KH&CN được đồng hành với các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông,... Qua đó, ngành KH&CN các tỉnh ĐBSCL phát huy hết thế mạnh tiềm năng văn hóa, nông nghiệp, du lịch, tận dụng thời cơ khai thác tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo để ĐBSCL phát triển nông nghiệp gắn du lịch một cách bền vững. Là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, ông Lê Quang Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Beloved Farm đã đưa ra những điều cần làm để nâng tầm du lịch nông nghiệp. Theo đó, lãnh đạo địa phương cùng các sở ban ngành cần có sự quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực này thông qua các cơ chế, chính sách, như: Xây dựng chương trình phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm và bền vững; xây dựng du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp như đường, điện, nước sạch; hoàn chỉnh chính sách tín dụng, chính sách đất đai, thu hút đầu tư, chính sách thuế ưu đãi, ban hành bộ tiêu chí về du lịch nông nghiệp; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu... nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của nền nông nghiệp địa phương vào ngành “công nghiệp không khói”, góp phần nâng cao chất lượng du lịch và cải thiện đời sống nông dân. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp để phát triển bền vững du lịch nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long gắn vai trò của KH&CN như: Xây dựng bộ tiêu chí cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt chuẩn mô hình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp: giữ môi trường xanh, sạch, an ninh và an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm (không sử dụng hóa chất trong sản xuất). Bên cạnh đó, cần xây dựng một số sản phẩm du lịch gắn liền với nông nghiệp trên cơ sở khai thác những thế mạnh đặc trưng của từng địa phương của tiểu vùng trong không gian văn hóa chung, tránh trùng lắp hoặc sao chép từ các địa phương khác; tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất nông nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch về du lịch nông nghiệp và đào tạo kiến thức du lịch cho nông dân. Song song đó, kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, trang trại theo đúng tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường mở rộng thị trường và tuyên truyền quảng bá cho các chương trình du lịch nông thôn theo hướng bền vững. Bài, ảnh: Diệu Huyền
|