|
|||
Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII dự kiến diễn ra trong tháng 10, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Định – Thứ trưởng Bộ KH&CN xung quanh vấn đề này. PV: Thưa ông, mục tiêu của Hà Nội trong năm, mười, hai mươi năm nữa trở thành một Thủ đô tầm cỡ về mọi mặt, trong đó có vai trò quan trọng của KH&CN. Vậy ông thấy Hà Nội cần thiết phải giải quyết những vấn đề gì để vận dụng KH&CN trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển theo chiều sâu? Thứ trưởng Lê Xuân Định: Trong thời gian qua, KH,CN&ĐMST đã thể hiện rõ nét về vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Mô hình tăng trưởng kinh tế từng bước chuyển sang chiều sâu, giảm dần phụ thuộc vào tài nguyên và lao động giản đơn, tăng cường ứng dụng KH&CN hiện đại, thể hiện qua đóng góp của Năng suất nhân tố tổng hợp TFP cho tăng trưởng đạt bình quân 46%/năm (cao hơn trung bình cả nước 44,3%), năng suất lao động gấp 1,65 lần cả nước, tiềm lực KH&CN được củng cố và tăng cường. Trong giai đoạn tới, để KH,CN&ĐMST tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò là một đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững, Hà Nội cần tập trung giải quyết 03 vấn đề trọng tâm sau: Tăng cường đầu tư, tăng cường xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển KH,CN&ĐMST, nhất là đầu tư từ doanh nghiệp. Chú trọng phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp: hấp thụ, làm chủ công nghệ, đổi mới và sáng tạo công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao, không ngừng gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp có đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tăng cường kết nối, gắn kết với tiềm lực, hạ tầng KH&CN quốc gia, huy động được lực lượng trí thức hàng đầu đất nước ở các Viện nghiên cứu, trường đại học để đồng hành, sáng tạo phục vụ sự phát triển của Thủ đô. Tiên phong áp dụng các cơ chế, chính sách mới thúc đẩy phát triển dựa trên KH,CN&ĐMST. - Vậy Hà Nội trở thành trung tâm về KH&CN của khu vực thì sẽ cần những yếu tố gì? - Thứ trưởng Lê Xuân Định: Với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KH&CN hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực, là “Thành phố sáng tạo” của UNESCO, Thủ đô cần 05 định hướng lớn sau: Thứ nhất: Xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Về nghiên cứu cơ bản, đãn đầu cả nước trong các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học máy tính, vật liệu mới, y học, toán và vật lý. Tiến tới nhóm đầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học. Về khoa học ứng dụng phấn đấu trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, ghép tạng, phẫu thuật nội soi, công nghệ tế bào gốc.. Thứ hai: Phát triển nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phục vụ quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của một trung tâm văn hoá, chính trị, giáo dục là nơi văn hoá và con người Hà Nội đóng vai trò là nguồn lực quan trọng trong phát triển Thủ đô. Thứ ba: Về nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST: tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo không thấp hơn 1% GRDP của Thủ đô, trong đó phần đầu tư của doanh nghiệp và xã hội chiếm 70% tổng đầu tư,. Thứ tư: Về đổi mới, ứng dụng và phát triển công nghệ: Là đầu tầu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn hài hoà với khu vực và quốc tế. Thứ năm: Về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2035, và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045.
Hoạt động nghiên cứu khoa học trên các lĩnh đạt những kết quả tích cực và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố - Bộ KH&CN đã hỗ trợ Hà Nội ra sao và Hà Nội đang triển khai những bước đi gì cho mục tiêu này? - Thứ trưởng Lê Xuân Định: Trong thời gian qua, Ban cán sự đảng Bộ KH&CN và Thành ủy Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động KH,CN&ĐMST. Giai đoạn tới, Ban cán sự đảng Bộ KH&CN và Thành ủy Hà Nội thống nhất tiếp tục tăng cường công tác phối hợp hoạt động giữa hai bên trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động KH,CN&ĐMST đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội nói riêng cũng như của cả nước nói chung. Các nhiệm vụ trọng tâm phối hợp giữa hai bên trong giai đoạn tới là: Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế: Phối hợp tham vấn, đề xuất ban hành những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đặc thù trong hoạt động KH,CN&ĐMST của Thủ đô trên cơ sở Luật Thủ đô, Nghị quyết của Bộ Chính, Nghị quyết của Quốc hội về Thủ đô Hà Nội. Phối hợp phát triển và khai thác tiềm lực KH&CN của Hà nội và cả nước: Tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực KH&CN quốc gia trong việc tháo gỡ, giải quyết các thách thức của Thành phố; tập trung huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cùng vào cuộc, đồng hành vì sự phát triển Thủ đô. Tập trung xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” nhằm tạo cơ hội kết nối, liên kết, hợp tác giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước phục vụ tham vấn, giải quyết các vấn đề của Thủ đô. Phát triển Nền tảng đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Platform) để tăng cường liên kết, kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu trung ương và Hà Nội, các tập đoàn, doanh nghiệp để tạo lập môi trường phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới. Khơi thông sử dụng các nguồn lực xã hội đầu tư cho KH,CN&ĐMST, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển KH&CN đầu tư cho đổi mới sáng tạo, đổi mới, ứng dụng và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Phối hợp để hỗ trợ thành phố Hà Nội xây dựng Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của Thủ đô. Tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là các lĩnh vực mà thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng và lợi thế: Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ xử lý môi trường, y tế, công nghệ số, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, in 3D,... Ngoài ra, phối hợp phát triển thị trường KH&CN và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội: Hỗ trợ thành phố Hà Nội phát triển thị trường KH&CN, Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội tiến tới là sàn giao dịch công nghệ quốc gia kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của thế giới. Phối hợp phát triển, kết nối nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội và quốc gia. Phối hợp tổ chức các sự kiện đào tạo, kết nối khởi nghiệp sáng tạo của thành phố, quốc gia và các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới. Đặc biệt, là hợp tác phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Phối hợp xây dựng, phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội Khu công nghệ cao Hòa Lạc tạo làn sóng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước; xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao Hoà Lạc thành trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội và quốc gia, là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất, là vùng lõi với hạ tầng hiện đại, thông minh của đô thị vệ tinh Hoà Lạc; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, tiêu chí, tiêu chuẩn thu hút dự án đầu tư phù hợp xu thế phát triển mới. Phối hợp triển khai một số nhiệm vụ KH,CN&ĐMST trọng tâm phát triển các ngành, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội; giải quyết các vấn đề bức xúc của Thủ đô, nâng cao chất lượng quản trị xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST trên các lĩnh vực: quản lý công nghệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; thanh tra KH&CN. Bài, ảnh: Đăng Minh
|