Bản in
Đẩy mạnh hoạt động KH&CN ở các địa phương: Ưu tiên nguồn lực
Thời gian qua các chính quyền địa phương luôn quan tâm đầu tư cho hoạt động KH&CN, trong đó nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp KH&CN được nhiều địa phương bố trí cao hơn số trung ương giao. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 Quan tâm đầu tư, tạo môi trường thông thoáng để KH&CN phát triển

Năm 2019, toàn ngành KH&CN nói chung và hoạt động KH&CN ở các địa phương nói riêng đã cố gắng, nỗ lực cao trong việc thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2016-2020, các địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thông qua việc ban hành nhiều văn bản liên quan đến KH&CN, đặc biệt là chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao... Năm 2019 đã có 304 văn bản của các địa phương được ban hành, tập trung nhiều vào chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ ươm tạo, phát triển doanh nghiệp KH&CN; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có thế mạnh của địa phương.
 
Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được diễn ra mạnh mẽ và lan rộng khắp cả nước và nhận được sự quan tâm của xã hội, của Chính phủ, của các cấp chính quyền nhiều như trong thời gian qua và có thể coi là điểm nổi bật trong kết quả hoạt động KH&CN của các địa phương từ năm 2018 - 2019. Tinh thần khởi nghiệp đã có sự chuyển động tích cực từ các Bộ, Ban, Ngành, đến các tỉnh, địa phương trên cả nước. Nhờ vậy, “làn sóng khởi nghiệp” đã lan rộng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng và có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập.
 
Trong điều kiện kinh tế, ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng các địa phương luôn quan tâm đầu tư cho hoạt động KH&CN, trong đó nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp KH&CN được nhiều địa phương bố trí cao hơn số trung ương giao. Đáng chú ý, đã có 35/63 địa phương thành lập Quỹ phát triển KH&CN, trong đó có 4 địa phương huy động được thêm nguồn đóng góp từ doanh nghiệp. Tổng kinh phí của quỹ là 753,727 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, năm 2019, các địa phương đã huy động được 3.758,1 tỷ đồng chủ yếu là nguồn đối ứng của doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
 
Các địa phương vẫn tiếp tục dành khoảng 70% kinh phí sự nghiệp KH&CN từ ngân sách nhà nước để chi hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ. Hoạt động này được triển khai theo hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế - xã hội theo chuỗi giá trị sản phẩm, hướng tập trung ưu tiên vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế của địa phương, nên đã phát huy được kết quả nghiên cứu.
 
Nhờ việc quan tâm ban hành chính sách hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2019, 13.997 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hoạt động đổi mới công nghệ, 161 doanh nghiệp được tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ, 90 công nghệ được chuyển giao, đưa vào ứng dụng, 72 hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện với tổng giá trị 3.650 triệu đồng.
 
Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến giám đốc sở KH&CN diễn ra mới đây, năm 2019,  Bộ KH&CN đã xem xét hỗ trợ các địa phương triển khai được gần 200 nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình như: Chương trình nông thôn miền núi, Đổi mới công nghệ, Quỹ gene, Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, Sở hữu trí tuệ, cấp thiết phát sinh ở địa phương,… Các nhiệm vụ tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Hầu hết các nhiệm vụ được triển khai đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương và vùng, đều là những nội dung cần quan tâm hỗ trợ ở quy mô quốc gia, chính vì thế kết quả nghiên cứu đã gắn sát với thực tiễn, có khả năng ứng dụng ngay trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, nâng cao được giá trị của các sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương, một số sản phẩm tiếp tục mang lại giá trị kinh tế cao nhờ được hỗ trợ đồng bộ theo chuỗi, giá trị thương hiểu sản phẩm ngày càng được nâng cao, được coi là sản phẩm chủ lực của tỉnh và Vùng như: chè hoa vàng, hà thủ ô (Cao Bằng); chè (Thái Nguyên); nhãn, xoài, rau ở Sơn La, cam, quýt (Hòa Bình, Hà Giang); thủy - hải sản (Phú Yên; Khánh Hòa; Cà Mau; BR-VT...), sản phẩm tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long...

Tái cấu trúc chương trình
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị, các đại biểu vẫn chỉ ra những vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ, cụ thể: Đối với các nhiệm vụ mang tính liên tỉnh, liên vùng: Nhu cầu triển khai các nhiệm vụ liên tỉnh, liên vùng đang là nhu cầu rất thực tiễn, Chính phủ cũng đang có những chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản phẩm mang quy mô cấp vùng. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ chế cũng như việc hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ KH&CN mang tính liên tỉnh, liên vùng, nhất là việc huy động nguồn lực đối ứng từ nguồn kinh phí của các địa phương. Vì vậy, cần sớm có nghiên cứu để việc triển khai các nhiệm vụ có tính liên tỉnh, liên vùng đạt được hiệu quả, tránh sự trùng lắp trong nghiên cứu ứng dụng.
 
 
Thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu các kỹ thuật tiến bộ, làm chủ nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới công nghệ, tạp ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao
 
Bên cạnh đó, rất cần nghiên cứu để có cơ chế phối hợp quản lý, có sự tham gia phối hợp của địa phương đối với các nhiệm vụ cấp quốc gia triển khai tại địa phương, nhất là việc tiếp nhận, chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Việc triển khai các nhiệm vụ có tính cấp thiết tại địa phương cần được ưu tiên bố trí phân bổ kinh phí để việc triển khai đáp ứng được yêu cầu cấp thiết, kể cả nguồn kinh phí Trung ương và nguồn đối ứng tại các địa phương.
 
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, sự phát triển thị trường công nghệ cũng như doanh nghiệp KH&CN cần tương xứng với tiềm năng của từng địa phương. Hiện tại hoạt động này còn thiếu gắn kết, dịch vụ KH&CN còn yếu, doanh nghiệp chưa nhiệt tình tìm đến KH&CN để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tài sản trí tuệ của đa số doanh nghiệp chủ yếu mới dừng ở nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp, rất ít doanh nghiệp sở hữu giải pháp hữu ích hoặc sáng chế. Số doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài còn khiêm tốn…
 
Ông Nguyễn Thủy Trọng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ cho rằng cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn đo lường chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm… để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu trên, cần thiết phải có nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ trên địa bàn; tập trung xác lập bảo hộ và khai thác tốt tài sản trí tuệ cho sản phẩm đặc hữu địa phương.
 
Để hoạt động KH&CN phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các đại biểu cho rằng, thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu các kỹ thuật tiến bộ, thành tựu KH&CN tiên tiến, làm chủ nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới công nghệ, tạp ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao,..
 
Đồng thời, tập trung hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giải quyết các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị, để phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Coi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương là đối tượng trung tâm, để hoạt động KH&CN tác động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
 
Địa phương cũng cần chủ động khai thác hỗ trợ nhà nước thông qua các chương trình quốc gia về KH&CN, tiếp tục quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm dịch vụ hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
 
Ngoài ra, cần rà soát, điều chỉnh tái cấu trúc lại những chương trình KH&CN để hoạt động nghiên cứu, triển khai đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phát triển trong giai đoạn mới. Lồng ghép việc xây dựng nội dung phát triển KH&CN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Bài, ảnh: PV