|
|||
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc hỗ trợ Hệ sinh thái KNĐMST tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Tại kế hoạch đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 15 đến 20 tỷ đồng đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; hỗ trợ phát triển tối thiểu 10 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đến năm 2025 thu hút được 50 đến 60 tỷ đồng đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Ngày 14/12/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND về “Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2025”. Theo ông Trương Quốc Chính - Phó Giám đốc Sở KH&CN: Đây là chính sách phù hợp với thực tế của tỉnh nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Từ những chính sách của tỉnh, các sở, ngành đã chủ động đề xuất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp lý, giải đáp thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn, kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có thể nói, trong 2 năm 2018 - 2019, thực hiện chương trình Hệ sinh thái KNĐMST, trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông và đào tạo, kết nối các nhà khởi nghiệp sáng tạo trẻ với các huấn luyện viên và cố vấn của trung ương, khu vực và của tỉnh về hoạt động khởi nghiệp. Gần 10 buổi hội thảo và đào tạo chia sẻ kiến thức, tập huấn về KNĐMST đã được tổ chức tại Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái và Sơn La.
Tọa đàm “Kết nối Hệ sinh thái KNĐMST Trung du và miền núi phía Bắc năm 2019” Bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thông tin (Sở KH&CN) - cố vấn của Hệ sinh thái KNĐMST cho biết: Chúng tôi đã đào tạo những cán bộ đến từ nhiều thành phần như doanh nghiệp, trường đại học, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm của Sở KH&CN tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu để trở thành các cố vấn/huấn luyện viên trong hệ sinh thái của tỉnh. Những cố vấn/huấn luyện viên này được kì vọng sẽ có vai trò lan tỏa rộng hơn tinh thần khởi nghiệp trước hết ở cơ sở của họ, sau đó sẽ hoạt động ở các tỉnh phía Bắc và hình thành mạng lưới hỗ trợ tại đây. Họ sẽ là những người đi theo hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong dài hạn. Phú Thọ mong muốn hình thành 1 Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại tỉnh với sự tham gia của các cơ quan đơn vị liên quan, sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng, các Viện nghiên cứu, Hội doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và các nhà đầu tư… Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ về đào tạo nguồn lực, chuyên gia về Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, Phú Thọ triển khai việc xây dựng kế hoạch truyền thông chiến lược về khởi nghiệp ĐMST. Từ đó, tạo nên một mạng lưới, sức mạnh truyền thông và khai thác triệt để nguồn thông tin, tạo nên các sản phẩm truyền thông về Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đạt chất lượng và hiệu quả cao.
Tin, ảnh: PV
|