|
|||
Nhiều chủ trương chính sách phát triển KH&CN địa phương được ban hành Nhận thức rõ vai trò của hoạt động KH&CN ở các địa phương, tiền thân của Bộ KH&CN là Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã tăng cường công tác chỉ đạo quản lý khoa học và kỹ thuật địa phương, tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ xây dựng tổ chức và hoạt động của các Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật địa phương. Ngày 17/5/1983, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị quyết số 51/HĐBT tiếp tục khẳng định cần kiện toàn Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và thành phố để làm nhiệm vụ là cơ quan tham mưu đắc lực cho cấp ủy Đảng và Ủy ban nhân dân về khoa học và kỹ thuật, tăng cường quản lý thống nhất các hoạt động khoa học và kỹ thuật trong địa phương, quan tâm đến công tác tổ chức quản lý các hoạt động khoa học và kỹ thuật cấp quận, huyện. Việc hình thành cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật theo vùng lãnh thổ là một điểm mới và là đặc thù của nước ta, đã có tác dụng đưa các mặt hoạt động khoa học và kỹ thuật ở địa phương vào nền nếp, thúc đẩy quá trình gắn khoa học và kỹ thuật với sản xuất, đưa nhanh tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương. Ngày 29/7/1982, tại Nghị định số 125/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, Vụ Quản lý Khoa học và Kỹ thuật địa phương trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được thành lập. Tổ chức quản lý khoa học và kỹ thuật ở địa phương được đổi tên thống nhất thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật và thành lập các Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thành, quận, huyện; một số địa phương bắt đầu thành lập Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật để thực hiện việc chuyển giao nhanh các kết quả nghiên cứu, các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống ở địa phương, thực hiện chức năng cầu nối trong việc gắn kết nghiên cứu với sản xuất. Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật đã triển khai hướng dẫn xây dựng các chương trình khoa học và kỹ thuật ở địa phương, giúp đỡ xây dựng các quy chế quản lý, đặc biệt là triển khai công tác quản lý khoa học và kỹ thuật trên địa bàn huyện, nhanh chóng đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuât, tổng kết và nhân rộng các điển hình sản xuất giỏi. Thực hiện theo tinh thần Thông tư số 11-TT/TW ngày 19/8/1997 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa VI) và Quyết định số 227-HĐBT ngày 29/12/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể để đáp ứng theo yêu cầu mới, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã giải thể Vụ Quản lý Khoa học và Kỹ thuật địa phương (Quyết định số 270/TCCB ngày 25/7/1988) với chức năng tổng hợp, tổ chức phối hợp, đôn đốc, điều hòa hoạt động giữa các đơn vị trong Ủy ban và giữa các đơn vị trong Ủy ban với các địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý khoa học và kỹ thuật ở địa phương. Cho đến năm 1992, thi hành Nghị quyết số 109-HĐBT ngày 12/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban Khoa học Nhà nước đã giải thể Ban quản lý công tác khoa học và kỹ thuật địa phương trong Văn phòng Ủy ban (Quyết định số 551/TCCB ngày 15/8/1992), điều chỉnh lại sự phân công, chuyển giao nhiệm vụ của Ban Công tác quản lý khoa học và kỹ thuật địa phương cho các đơn vị trong Ủy ban Khoa học Nhà nước theo các chuyên ngành hoặc lĩnh vực quản lý các đơn vị. Kể từ khi thành lập Bộ KH&CN năm 2002, Bộ đã luôn đồng hành cùng các địa phương trong việc thúc đẩy phát triển KH&CN ở các địa phương, gắn với khai thác, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương và vai trò quản lý nhà nước của các địa phương đối với hoạt động KH&CN. Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 15/2003/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15 tháng 7 năm 2003, Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT/BKHCN-BNV ngày 16 tháng 8 năm 2008 hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban Nhân dân quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở địa phương. Bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN của các địa phương đặc biệt từ năm 2004 đến nay đã được quan tâm kiện toàn ở 63 tỉnh/thành phố với hơn 3.000 cán bộ quản lý, trong đó 76% có trình độ đại học và trên đại học. Từ xuất phát điểm không có một tổ chức KH&CN nào, đến nay các có hàng trăm tổ chức KH&CN địa phương đủ năng lực triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết trên địa bàn. Nhìn chung, các nhiệm vụ được triển khai ở địa phương đã bám sát nhu cầu thực tiễn, phát huy thế mạnh và tiềm năng của vùng, miền, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân trên địa bàn. Bộ KH&CN luôn theo sát để kịp thời hướng dẫn, trợ giúp các Sở KH&CN trong việc tham mưu chính sách phát triển KH&CN ở địa phương cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố, dành nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng và triển khai nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn. Bộ cũng thường xuyên trao đổi để nắm bắt tình hình và kịp thời giải đáp, xử lý các vướng mắc, phối hợp hướng dẫn các địa phương trong quá trình kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý KH&CN, sắp xếp các tổ chức KH&CN công lập, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về KH&CN, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, an toàn bức xạ và hạt nhân, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ở địa phương. Các hội nghị giao ban vùng (Tây Bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ) được duy trì tổ chức định kỳ nhằm tạo cơ hội để các Sở KH&CN trong vùng được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quan hệ hợp tác giữa các tỉnh/thành phố, củng cố quan hệ hợp tác giữa trung ương và địa phương, giữa các cơ quan quản lý KH&CN trên địa bàn với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, Bộ KH&CN luôn quan tâm thúc đẩy xu hướng ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản phẩm theo chuỗi trong các ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình thử nghiệm và ứng dụng công nghệ thông minh đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông sản theo chuỗi, phát triển cánh đồng mẫu lớn và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo của nền nông nghiệp và nông thôn Việt Nam ngày nay Hoạt động KH&CN địa phương chủ động đi đầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Bài học từ một số địa phương cho thấy, KH&CN sẽ trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội khi thực hiện nhiệm vụ sát với yêu cầu cụ thể của địa phương. Những năm qua, hoạt động KH&CN ở địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phần lớn các địa phương đều chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tuyên truyền phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn - Quy chuẩn kĩ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa…
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng thành tựu KH&CN tại các địa phương Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ban hành, từng địa phương cụ thể hóa và ban hành các quy định phù hợp, tạo cơ sở và hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn. Nhiều địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch KH&CN trên địa bàn. Công tác quản lý Nhà nước về KH&CN như tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; thanh tra, quản lý công nghệ; sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ hạt nhân; hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật… được quan tâm thực hiện và hoàn thành tốt. Quy trình đề xuất, xác định các nhiệm vụ KH&CN từng bước được đổi mới theo hướng cải cách hành chính. Thông qua việc thực hiện các chương trình KH&CN, các địa phương đã phát triển được nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, tiêu biểu như: Mô hình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, theo chuỗi liên kết; mô hình nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái; mô hình liên kết trồng cây dược liệu; mô hình làng hoa, làng nghề gắn với du lịch homestay,… Nhiều mô hình ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp đạt doanh thu 500 triệu – 1 tỷ đồng/ha/năm. Cá biệt các mô hình ứng dụng công nghệ cao chó thể đạt 2 tỷ đồng/ha/năm. Chỉ tính riêng Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số” (gọi tắt là Chương trình nông thôn miền núi), qua 15 năm thực hiện (giai đoạn 1998-2015) đã huy động lực lượng của trên 80 tổ chức KH&CN ở trung ương và địa phương chuyển giao được 4.804 lượt công nghệ; đào tạo 11.136 kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn cho 237.704 lượt nông dân. Đã sử dụng 38.378 lao động tại chỗ giúp các địa phương góp phần giải quyết tình trạng lao động dôi dư và tăng thu nhập cho nông dân. Trong giai đoạn 2016-2025, Chương trình Nông thôn miền núi dự kiến sẽ xây dựng 2.200 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trên cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó 20% mô hình có liên kết giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp; chuyển giao trên 3.000 công nghệ, trong đó có khoảng 20% là công nghệ cao; đào tạo 4.000 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn cho khoảng 140.000 lượt người dân. Trong những năm gần đây, hoạt động KH&CN của các địa phương đã có sự chuyển biến lớn, chú trọng và gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Ưu tiên triển khai thực hiện các dự án, đề án KH&CN liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học trong và ngoài địa bàn, nhất là xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia, đăng ký mã số, mã vạch; chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo được các địa phương ngày càng quan tâm và xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển. Các tiến bộ kỹ thuật của ngành KH&CN đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi cơ cấu, tập quán và tăng hiệu quả sản xuất ở một số tỉnh tiêu biểu như: Sơn La, Bắc Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, An Giang… Từ một vùng đất chết, nơi mà các chuyên gia nước ngoài từng lắc đầu và khẳng định: Không thể khai phá, hoặc muốn khai thác trồng lúa phải xử lý 1 ha tốn cả triệu USD… nhưng chỉ sau ba thập kỷ, người Việt đã chứng minh điều ngược lại: biến vùng “đất chết” thành vùng sản xuất lúa gạo, nông sản chủ lực của ĐBSCL. Với sự vào cuộc của KH&CN, quyết tâm của lãnh đạo, tinh thần và ý chí vượt khó của người dân đã biến Đồng Tháp Mười từ vùng cứu đói đến nay là một trong những vựa lúa lớn của cả nước. Hay việc tăng giá trị sản lượng của cây vải thiều tại Lục Ngạn, Bắc Giang, với diện tích gần 29.000 ha, sau khi được tăng cường ứng dụng KH&CN, diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh tăng từ 1.000 ha lên đến 13.500 ha, diện tích đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 218,5 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS cho 394 hộ sản xuất. Nhờ đó, chất lượng vải được nâng lên, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Cũng nhờ triển khai ứng dụng các công nghệ cao trong bảo quản nông sản như: Công nghệ CAS của Nhật Bản, công nghệ bảo quản của Công ty Jural - Israel, công nghệ bảo quản bằng màng MAP... đã tăng được thời gian lưu giữ các sản phẩm nông sản, đảm bảo chất lượng, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm vải thiều của Bắc Giang đã xuất khẩu hơn 30 nước trên thế giới. Năm 2017 từ cây vải thiều đã cho thu nhập 5.300 tỷ đồng, năm 2018 là 5.800 tỷ đồng. Bài, ảnh: Diệu Huyền
|