|
|||
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương xoay quanh câu chuyện này - Sự liên kết giữa 4 nhà: Nhà quản lý, doanh nghiệp, viện/trường và người nông dân trong ứng dụng KH&CN vào nông thôn miền núi được thể hiện như thế nào thưa ông? - Sự liên kết 4 nhà như bạn hỏi là yếu tố rất quan trọng trong việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất ở khu vực nông thôn miền núi. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp là trung tâm của mối liên kết này. - Nhận thức tầm quan trọng như trên trong quá trình triển khai thực hiện các dự án ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN thuộc chương trình nông thôn miền núi thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số thành tựu có ý nghĩa như: Nhà quản lý đã chủ động ban hành những cơ chế chính sách phù hợp cho các cơ quan nghiên cứu để tạo ra được các công nghệ mới. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận làm chủ những kết quả nghiên cứu được tạo ra từ các Viện/Trường... Doanh nghiệp liên kết hợp tác với người nông dân để sản xuất vùng nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ cho chế biến, tiêu thụ ra thị trường. Mối liên kết này bước đầu đã tạo nên sự gắn bó về lợi ích giữa cơ quan nghiên cứu - doanh nghiệp - người nông dân, khẳng định vai trò định hướng và cơ chế chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, từ đó tạo thành mô hình liên kết theo chuỗi giá trị mà ở đó mọi chủ thể đều có quyền lợi và trách nhiệm liên quan với nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mối liên kết này cũng còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục như: Chưa có ràng buộc chặt chẽ, chủ động thích ứng kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng, khó lường của giá cả thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, thường xảy ra sự tự ý phá vỡ hợp đồng liên kết của một trong các bên mà thông thường người nông dân chịu sự thiệt thòi lớn nhất trong việc phá vỡ hợp đồng này. - Theo ông, làm thế nào để kết nối vững chắc 4 nhà này? Trong 4 nhà đó thì nhà nào là quan trọng nhất? Như chúng ta đã trao đổi ở trên, yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự bền vững của mối liên kết 4 nhà này là phải đảm bảo được lợi ích phù hợp cho từng bên. Trong mối liên kết này, theo tôi doanh nghiệp là chủ thể quan trọng nhất tạo nên sự thành công. Bởi lẽ doanh nghiệp là nơi chủ động tiếp cận với các công nghệ mới, có kế hoạch sản xuất, mô hình tổ chức kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng và huy động vốn, đầu mối thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp là chủ thể tạo nên giá trị cao nhất cho sản phẩm thông qua chiến lược sản xuất kinh doanh của mình. Vùng nông thôn miền núi, bà con dân tộc thiểu số của chúng ta hiện nay, tuy cuộc sống đã có nhiều khởi sắc, nhưng về cơ bản còn rất khó khăn, nhiều vùng rất nghèo. Trong trách nhiệm của mình, Bộ Khoa học – Công nghệ đã có đề xuất gì về mặt chiến lược để gắn với khoa học – công nghệ với phát triển kinh tế ở những vùng này? Với chức năng nhiệm vụ của mình, trong những năm vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách, chương trình KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Một chương trình cụ thể là chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chủ động tham mưu các nội dung phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo tiếp cận thành công các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, tham mưu cho Đảng đưa các nội dung này vào trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, từ đó sẽ cụ thể thành các cơ chế chính sách, giải pháp KHCN phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn tới. - Những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận với nông dân để cùng tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa? Vì sao hiện vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà với lĩnh vực này? Như các bạn đã biết, chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa muốn bền vững thì điều quan trọng nhất là các chủ thể tham gia trong chuỗi phải đảm bảo được các lợi ích của mình. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp khó khăn khi liên kết với người nông dân trong chuỗi giá trị có nguyên nhân chủ yếu là lợi ích của họ chưa được đảm bảo bền vững. Điều này có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, yếu tố nhận thức và sự tin cậy của doanh nghiệp và người nông dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Từ đó, chưa có được những hợp đồng ràng buộc một cách chắc chắn về quyền lợi và trách nhiệm của từng bên. Ngoài ra, người nông dẫn vẫn còn tâm lý tự phát, chưa chuyên nghiệp, nghiêm túc trong việc thực hiện các cam kết. Do vậy, đôi khi doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với mô hình liên kết chuỗi này.
Việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đến người nông dân là hết sức cần thiết. - Vậy việc ứng dụng KH&CN vào khu vực nông thôn miền núi có những đặc thù gì, thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông? - Như các bạn đã biết, vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số ở nước ta có nhiều đặc điểm mang tính chất đặc thù riêng của từng vùng, miền cụ thể. Tuy nhiên, điểm chung là điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng, trình độ sản xuất và thậm chí cả về nhận thức còn ở mức thấp hơn nhiều so với các khu vực khác. Nói đến vùng nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số, bên cạnh một số thuận lợi như có tiền năng về đất đai, lao động, truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp thì chúng ta thường nói đến khó khăn là chủ yếu. Do vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào khu vực này không một cơ quan, tổ chức nào đơn lẻ làm tốt được, đều đó đòi hỏi phải có sự chung tay hợp tác và liên kết chặt chẽ của các cơ quan như các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người nông dân sản xuất. Đối với người nông dân ở khu vực nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số, là chủ thể của việc tiếp nhận tiến bộ khoa học công nghệ còn gặp rất nhiều khó khăn mang tính khách quan như: trình độ sản xuất thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, khả năng tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới còn hạn chế.... Với mong muốn nhanh chóng đưa được các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, việc nâng cao nhận thức cho người nông dân là rất quan trọng. Trong thời gian vừa qua, thông qua các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi đã đào tạo, tập huấn chuyển giao cho hàng nghìn người nông dân nắm vững và làm chủ các quy trình công nghệ. Trên cơ sở đó, họ sẽ áp dụng và nhân rộng trong sản xuất thực tiễn của mình. - Người nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn rất ít, làm thế nào để họ có thể tiếp cận và nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao? - Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, yêu cầu khắt khe về kỹ thuật. Do vậy, đúng như câu hỏi của bạn, hiện nay nông dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn ít, đặc biệt là những người nông dân ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong khi đó, đòi hỏi của thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao. Từ đó, người nông dân muốn sản xuất ra sản phẩm nông sản có năng suất cao, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm bắt buộc phải áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào các khâu sản xuất của mình. Vậy làm thế nào để người nông dân tiếp cận và áp dụng được các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có thể có rất nhiều câu trả lời. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ thì việc hình thành các chương trình, dự án ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đến người nông dân là hết sức cần thiết. Trong những năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này, một trong những chương trình đó là "Chương trình hỗ trợ chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số". Trân trọng cảm ơn ông! |