|
|||
Theo đó, tại Quyết định số 5132/QĐ-UBND ngày 30-12-2016, UBND tỉnh đã giao Sở KH&CN chủ trì soạn thảo đề án chính sách khuyến khích phát triển KH&CN với mục tiêu khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN, góp phần đưa KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Ngay sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, Sở KH&CN đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng chính sách về KH&CN của các tỉnh, thành phố; khẩn trương xây dựng đề cương, dự thảo đề án. Do đây là đề án vừa có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, lại đề cập đến kiến thức chuyên sâu về chuyên môn nên cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều hội thảo; lấy ý kiến các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... nhiều lần; tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý... Đặc biệt, ngày 25-8-2017, dưới sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng, UBND tỉnh đã nghe và thống nhất trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo đề án với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ngày 23-11-2017 đã thông qua đề án. Đến ngày 8-12-2017, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết 81/2017/NQ-HĐND về “Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.
Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa có các mục tiêu cụ thể phấn đấu đạt được đến năm 2020 là:
Trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới; đổi mới công nghệ - thiết bị: Chọn tạo, du nhập được ít nhất 6 giống cây trồng mới có năng suất hoặc hiệu quả tăng 15% trở lên; phục tráng được ít nhất 3 giống cây ăn quả đặc sản; chủ động sản xuất bằng nuôi cấy mô được ít nhất 4 giống cây lâm nghiệp; sản xuất được 4 giống thủy sản hiện chưa tự sản xuất được trong tỉnh; sản xuất được ít nhất 16 dược phẩm mới, thực phẩm chức năng mới từ dược liệu được trồng trên địa bàn tỉnh; sản xuất được ít nhất 10 phần mềm (software) mới phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, phát triển thương mại điện tử cho các làng nghề truyền thống, phát triển du lịch, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường; đổi mới được công nghệ - thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất cho ít nhất 15 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm: Đá ốp lát xây dựng, cát xây dựng, thủy sản đông lạnh chế biến, thức ăn gia súc, bao bì; tiếp nhận được ít nhất 4 kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản hải sản cho ít nhất 100 tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm nâng cao chất lượng của hải sản đánh bắt xa bờ.
Trong phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, trên quy mô lớn: Ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất lúa, cam, bưởi chất lượng cao, theo chuỗi giá trị, trên quy mô sản xuất tập trung từ 100 ha/cơ sở trở lên tại ít nhất 5 cơ sở (đối với lúa), 50 ha/cơ sở trở lên tại ít nhất 5 cơ sở (đối với cam, bưởi). Ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nuôi tôm chân trắng nước mặn, theo chuỗi giá trị trên quy mô từ 1 ha/cơ sở trở lên, tại ít nhất 10 cơ sở. Ứng dụng công nghệ cao trong giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm (công suất 2.000 gia cầm hoặc 200 gia súc/ngày trở lên) gắn với phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, tại ít nhất 3 cơ sở.
Trong nâng cao năng lực KH&CN: Nâng cao năng lực hoạt động KH&CN cho ít nhất 30 phòng thí nghiệm, phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm trực thuộc doanh nghiệp.
Chính sách phát triển KH&CN gồm 3 nhóm chính sách cụ thể, tương ứng với từng nhóm mục tiêu:
Nhóm chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới; đổi mới công nghệ - thiết bị:
Tổ chức, đơn vị du nhập, khảo nghiệm, sản xuất được giống cây trồng mới (cam, bưởi, dứa, khoai tây, lạc, đậu tương) cho năng suất hoặc hiệu quả tăng 15% trở lên; phục tráng, sản xuất được giống cây ăn quả đặc sản (cam Vân Du, quýt Bá Thước, quýt vòi Ngọc Lặc); sản xuất được cây giống lâm nghiệp (keo lai, xoan chịu hạn, quế Thường Xuân, giổi ăn hạt) bằng phương pháp nuôi cấy mô; sản xuất được giống thủy sản (phi, cá chiên, cá nheo, cá ngạnh sông) trên địa bàn tỉnh thì được hỗ trợ 30% chi phí, tối đa 2 tỷ đồng.
Tổ chức, đơn vị nghiên cứu tạo ra được dược phẩm mới, thực phẩm chức năng mới từ dược liệu (quế, cà gai leo, gừng, nghệ, giảo cổ lam, gấc, hà thủ ô, ngũ gia bì, sâm cau, ích mẫu, đinh lăng, sa nhân, đương quy, mã tiền, thổ phục linh, nấm linh chi, lan gấm, sâm báo) trồng tại Thanh Hóa thì được hỗ trợ 30% chi phí để tạo ra dược phẩm mới, thực phẩm chức năng mới, tối đa 500 triệu đồng.
Tổ chức, đơn vị, cá nhân sản xuất được phần mềm (software) mới thuộc một trong các nhóm: Phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phục vụ công tác quản lý giám sát từ xa mức độ ô nhiễm môi trường; phục vụ công tác quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; phục vụ hoạt động du lịch; phục vụ quảng cáo, phân phối và bán các sản phẩm truyền thống của Thanh Hóa qua internet thì được hỗ trợ 30% chi phí tạo ra phần mềm mới, tối đa 1 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đổi mới toàn bộ công nghệ bằng một trong số các công nghệ - thiết bị: Công nghệ - thiết bị khai thác đá “cắt dây”, công nghệ - thiết bị cắt đá CNC (đối với sản xuất đá ốp lát); công nghệ - thiết bị hút chân không băng tải (đối với chế biến thủy sản); công nghệ - thiết bị dệt 8 thoi (đối với sản xuất bao bì); công nghệ - thiết bị sản xuất tự động hóa (đối với sản xuất thức ăn gia súc); công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (đối với sản xuất cát xây dựng); hoặc công nghệ cao, công nghệ khuyến khích chuyển giao thì được hỗ trợ 30% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, tối đa 5 tỷ đồng.
Bệnh viện tư nhân nhận chuyển giao các kỹ thuật: Chụp cộng hưởng từ (MRI) 3.0 tesla, gia tốc tuyến tính xạ trị ung thư (xạ trị điều biến liều IMRT), chạy thận nhân tạo (AK 98), phẫu thuật nội soi Full HD thì được hỗ trợ 30% chi phí nhận chuyển giao kỹ thuật, tối đa 2 tỷ đồng.
Chủ tàu khai thác hải sản có công suất máy chính từ 400 CV, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất máy chính từ 800 CV trở lên nâng cấp, làm mới hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu Polyurethane foam thì được hỗ trợ 30% kinh phí nâng cấp, làm mới hầm bảo quản, tối đa 200 triệu đồng.
Nhóm chính sách khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, trên quy mô lớn:
Doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP hoặc GlobalGAP) trên diện tích trồng lúa chất lượng cao từ 100 ha trở lên thì được hỗ trợ 30% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, chi phí xây dựng nhãn hàng hóa, công nhận VietGAP hoặc GlobalGAP, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cho sản phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc, tối đa 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP hoặc GlobalGAP) trên diện tích trồng cam, bưởi từ 50 ha trở lên thì được hỗ trợ 30% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, chi phí xây dựng nhãn hàng hóa, công nhận VietGAP hoặc GlobalGAP, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cho sản phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc, tối đa 6 tỷ đồng.
Doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất tôm chân trắng thâm canh công nghệ cao trong nhà bạt, hoặc nhà màng, hoặc nhà kính, từ 1 ha trở lên thì được hỗ trợ 30% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ và chi phí đầu tư để được công nhận VietGAP (hoặc GlobalGAP), tối đa 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đầu tư dây chuyền giết mổ, chế biến tự động hóa, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì được hỗ trợ 30% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, tối đa 5 tỷ đồng.
Chính sách khuyến khích nâng cao năng lực KH&CN: Doanh nghiệp đầu tư mua sắm trang thiết bị kỹ thuật cho phòng thí nghiệm, phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm trực thuộc doanh nghiệp thì được hỗ trợ 20% chi phí, tối đa 1 tỷ đồng.
Có thể nói, việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đã thể hiện sự đột phá về nhận thức và hành động đối với vị trí, vai trò của KH&CN. Sự đột phá đó là vì vị trí, vai trò của KH&CN không chỉ được khẳng định về chủ trương, đường lối mà lần đầu tiên đã được thể hiện bằng chính sách cụ thể và mạnh mẽ. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, việc ban hành được chính sách phát triển KH&CN đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn thì việc tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách cần sự quyết tâm và nỗ lực lớn hơn nhiều lần.
Theo đó, Sở KH&CN cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng chính sách đến tất cả các đối tượng có tiềm năng để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật; nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới; đổi mới công nghệ, thiết bị phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, trên quy mô lớn; nâng cao năng lực KH&CN. Bên cạnh đó, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các đối tượng đã đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị thụ hưởng chính sách. Làm được như vậy, chính sách khuyến khích phát triển KH&CN mới phát huy hiệu quả, góp phần đưa KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.
TS. Lê Minh Thông (Giám đốc Sở KH&CN) |