Bản in
Ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị nông sản
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển các sản phẩm nông sản của địa phương theo chuỗi giá trị đã giúp nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu.

 Nhờ kết quả nghiên cứu KH&CN về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn, với diện tích hơn 26 nghìn ha cây ăn quả các loại như: vải thiều, cam, bưởi, nhãn, táo. Thu nhập từ trồng cây ăn quả đạt hơn ba nghìn tỷ đồng/năm.


Tỉnh Ðồng Tháp định hình được cây trồng thế mạnh của tỉnh là xoài Cát Chu, với gần 10 nghìn héc-ta, cho tổng thu nhập 2.300 tỷ đồng/năm, hiện đang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Việc ứng dụng KH&CN cũng thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị cây dừa với diện tích trồng lên tới 69 nghìn ha, tạo ra hơn 30 sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu nhập đạt 5.400 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 13% số dân trong tỉnh Bến Tre.

Việc quan tâm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các địa phương đã đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Các sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đưa lại giá bán cao hơn nhiều lần so với khi chưa được cấp văn bằng bảo hộ. Cam Cao Phong (Hòa Bình) năm 2016 đạt hơn 23 nghìn tấn, năm 2017 đạt hơn 30 nghìn tấn. Sau khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, giá bán cam tăng lên, giúp người dân thu lãi từ 400 - 600 triệu đồng/ha.

Giá bưởi Tân Triều (Ðồng Nai) cũng tăng từ 20 đến 40% so với trước khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Tích cực ứng dụng KH&CN vào sản xuất, tỉnh Hà Giang hiện có bốn sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý (cam sành Hà Giang, mật ong bạc hà cao nguyên đá, hồng không hạt Quản Bạ, gạo Già Rui Xín Mần) và 92 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.