|
|||
Đó là một số kết quả chính của Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ rau an toàn theo hướng VietGAP tại tỉnh Bắc Ninh”. Dự án trên do Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh chủ trì, Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam là đơn vị chuyển giao công nghệ. Đây là dự án nằm trong “Chương trình trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Theo nhóm nghiên cứu, dự án hướng đến mục tiêu xây dựng được các mô hình sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh Bắc Ninh theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới. Triển khai dự án này, nhóm triển khai sẽ chuyển giao và tiếp nhận các quy trình công nghệ tiên tiến trong sản xuất rau an toàn theo VietGAP; hình thành mạng lưới sản xuất, quản lý chất lượng và tiêu thụ rau an toàn; xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP;… Đồng thời, đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho người dân. Cuối tháng 10/2017, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất rau an toàn cho các cán bộ kỹ thuật triển khai Dự án. Tại lớp tập huấn, các học viên đã được chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả trao đổi, giới thiệu về những yêu cầu cơ bản trong sản xuất rau an toàn (RAT). Qua đó, giúp học viên nắm được những kiến thức cơ bản về những tiêu chí để rau được chứng nhận RAT; các nguyên tắc đảm bảo sản xuất, kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế và bảo quản RAT.
Giống súp lơ xanh trồng tại Bắc Ninh (Ảnh: Hạnh Nguyên) Các học viên cũng đã được đi thăm và khảo nghiệm thực tế tại các mô hình trồng dưa vân lưới, cà chua DOFU và mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ 4.0 điện toán đám mây Akisai tại Viện Nghiên cứu rau quả; mô hình trồng RAT trong nhà lưới của HTX Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai và mô hình trồng RAT dưới màng che thấp tại xã Liên Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Nhóm thực hiện Dự án cho biết, sau 2 năm, sẽ xây dựng thành công mô hình sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 25 ha với tổng sản lượng đạt 641 tấn rau các loại. Các loại rau bao gồm: rau ngắn ngày cải canh, cải ngồng, xà lách 149 tấn; súp lơ xanh 23 tấn; su hào 44 tấn; bắp cải 105 tấn; dưa thơm 10 tấn; cà chua 160 tấn; bí xanh 80 tấn; đậu cô ve leo 70 tấn. Đồng thời, đào tạo được 15 kỹ thuật viên, tập huấn cho 200 lượt người dân. Tin: Hạnh Nguyên |