|
|||
Dự án thuộc “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”. Dự án do Công ty Cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Viện Dược liệu là đơn vị chuyển giao công nghệ. Theo nhóm nghiên cứu, để đạt được mục tiêu, Dự án chuyển giao và tiếp nhận các quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, sơ chế và bảo quản hai dược liệu là đinh lăng và cà gai leo theo GACP-WHO; xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng dược liệu đinh lăng, cà gai leo được cấp chứng nhận GACP-WHO. Đồng thời, đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho người dân tham gia dự án. Sau 36 tháng triển khai, Dự án xây dựng được các quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và bảo quản dược liệu đinh lăng, cà gai leo đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Đồng thời, xây dựng 4 mô hình gồm: mô hình nhân giống đinh lăng quy mô 6 ha (trong đó 1 ha làm giống gốc, 5 ha trồng thâm canh để lấy sản lượng phục vụ mô hình sơ chế và bảo quản); mô hình nhân giống cà gai leo quy mô 2000 m2 phục vụ nhân giống cho mô hình trồng thâm canh cà gai leo; mô hình trồng đinh lăng quy mô 20 ha (gồm 5 ha trồng năm đầu tiên, 15 ha trồng năm thứ 3); mô hình sơ chế và bảo quản: 25 tấn dược liệu đinh lăng và 150 tấn dược liệu cà gai leo đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Đồng thời, dự án sẽ đào tạo được 10 kỹ thuật viên và tập huấn cho 200 lượt người dân.
Cây cà gai leo có tác dụng rất hiệu quả trong việc điều trị các bệnh về gan (ảnh: Quỳnh Chi) Việc ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng, cà gai leo và một số cây dược liệu khác sẽ dần hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến dược liệu, thực phẩm chức năng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo cho bà con tại khu vực nông thôn, miền núi. Tin: Quỳnh Chi |