Bản in
Hà Nam : Xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao
Thành công của mô hình sẽ góp phần giúp các địa phương của tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa trên, nhằm chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cao

Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại tỉnh Hà Nam là dự án thuộc “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”. Dự án do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và Kiểm định, Kiểm nghiệm Hà Nam chủ trì thực hiện.


Những năm trước đây, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo đặc sản ra nước ngoài, tuy nhiên do làm ăn theo kiểu manh mún, không bài bản và chưa xây dựng được thương hiệu nên xuất khẩu gạo đặc sản của Việt Nam vẫn chỉ ở mức “được chăng hay chớ”, hiệu quả đem lại chưa tương xứng với giá trị thực. Bên cạnh nhu cầu gạo sạch chất lượng cao phục vụ xuất khẩu thì nhu cầu tiêu dùng nội địa với loại gạo này cũng rất lớn, đặc biệt khi đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
 
Thành công của đề tài góp phần giúp các địa phương của tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa

Với mục tiêu: Xây dựng được mô hình liên kết sản xuất theo quy trình được khép kín từ nhân giống, sản xuất lúa hàng hóa, đến chế biến gạo chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Trung tâm đã phối hợp với Văn phòng chương trình nông thôn miền núi thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cung ứng các giống lúa như: QJ1, BQ, CNC 11 cho HTX Lam Hạ, HTX Yên Lam, HTX Trung Lương... gieo cấy gần 200ha lúa đông xuân 2016-2017; tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện các mô hình; tổ chức 4 lớp tập huấn như: Công nghệ sản xuất giống, kỹ thuật thâm canh lúa, kỹ thuật sản xuất gạo thương phẩm của giống lúa QJ1, BQ và CNC 11; đào tạo một lớp kỹ thuật viên cho cán bộ kỹ thuật. Đồng thời, phân công cán bộ bám sát địa bàn, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn nông dân kỹ thuật về sản xuất, thu hoạch và bảo quản lúa chất lượng. 
 

Kết quả vụ đông xuân năm 2016-2017, năng suất lúa đạt 68-70 tạ/ha. Thành công của mô hình sẽ góp phần giúp các địa phương của tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa trên, nhằm chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
 
PV