|
|||
Nhờ đó đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho bà con nông dân trên cùng một đơn vị diện tích. Điển hình là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh các giống lúa thuần chất lượng cao như là Khẩu Ký, Tẻ Râu, Séng Cù. Đưa tiến bộ KH&CN đến người dân Có thể khẳng định nét nổi bật trong triển khai, ứng dụng KH&CN ở tỉnh Lai Châu đó là cơ chế chính sách hỗ trợ ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp và nông thôn tiếp tục được hoàn thiện. Cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học từng bước được hình thành. Nguồn ngân sách nhà nước dành cho đầu tư và phát triển KH&CN, đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được tỉnh quan tâm. Các đề tài, dự án được chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Đối với các giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp được thử nghiệm, tạo lập cơ sở khoa học cho việc lựa chọn, bổ sung cơ cấu giống cho địa phương – nơi triển khai thực hiện. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa vào thâm canh giống mới, chăm sóc cây trồng, đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật khai thác bền vững trên diện tích đất sản xuất, đất nông nghiệp. Dự án chuyển giao KH&CN trong sản xuất nông nghiệp ở Lai Châu được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2012 đến 2014 là phục tráng, giai đoạn 2 từ 2014 đến nay là xây dựng và mở rộng thương hiệu. Trong giai đoạn 1, Sở KH&CN Lai Châu đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp tiến hành phục tráng các giống lúa thuần Tẻ Râu, Khẩu Ký và Nếp tan Cò Giàng các huyện Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ. Khi tham gia các mô hình phục tráng bà con nhân dân được hỗ trợ 100% giá giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thì các dự án phục tráng đã gặt hái được những kết quả quan trọng. Ông Vũ Ngọc An, Giám đốc Sở KH&CN Lai Châu cho biết, bắt đầu từ năm 2012, Sở KH&CN Lai Châu báo cáo với UBND tỉnh Lai Châu cho phép thực hiện phục tráng hai giống lúa thuần ở trên hai địa bàn huyện Tân Uyên và huyện Phong Thổ đó là giống lúa Tẻ Râu và Khẩu Ký. Đồng thời, tỉnh tiếp tục làm thêm giống lúa Nếp tan Cò Giàng . Sau hai năm triển khai về phục tráng, đến năm 2014 kết quả phục tráng đã thành công, tạo ra giống lúa thuần Tẻ Râu, Khẩu Ký và Nếp tan Cò Giàng. “Tiếp nối và phát huy những kết quả đạt được từ phục tráng, bắt đầu từ năm 2014 đến 2017 chúng tôi mở rộng mô hình cho 3 giống lúa trên và thêm giống lúa Séng Cù của huyện Than Uyên. Kết hợp, lồng ghép với việc mở rộng mô hình là xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản gạo thuần của Lai Châu”, ông Vũ Ngọc An cho hay. Mở rộng, xây dựng thương hiệu đặc sản Sau khi tiến hành phục tráng thành công các giống lúa thuần chất lượng cao, Sở KH&CN Lai Châu đã gửi Học viện Nông nghiệp để bảo quản giống siêu nguyên chủng, đồng thời tiến hành triển khai giai đoạn mở rộng và xây dựng thương hiệu. Trong giai đoạn này mặc dù còn nhiều khó khăn do nguồn vốn ít, nên sự hỗ trợ đối với bà con tham gia các mô hình còn hạn chế, song Sở KH&CN đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia mở rộng sản xuất các giống lúa thuần chất lượng cao.
Tham gia Dự án bà con nhân dân được tập huấn tận tình về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất Cùng với đó các địa phương cũng đã trích nguồn kinh phí hỗ trợ cho nhân dân. Theo đó, các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, phân bón, đặc biệt là được chuyển giao toàn bộ khoa học kỹ thuật, quy trình chăm sóc bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên phần lớn diện tích lúa mở rộng sau phục tráng đều sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao. Điển hình là Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển giống lúa Khẩu Ký, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tại huyện Tân Uyên triển khai thực hiện từ tháng 8/2014 đến 1/2017. Nhờ đó, vụ mùa năm 2016 vừa qua, đơn vị chủ trì đã xây dựng mô hình sản xuất lúa Khẩu Ký thương phẩm có quy mô 40 ha với 105 hộ dân tham gia thuộc hai xã Thân Thuộc và Trung Đồng. Các hộ tham gia được hỗ trợ về giống, vật tư, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật. Đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tiến hành khảo sát lựa chọn địa điểm, chọn điểm triển khai thực hiện các mô hình. Cùng với đó, cán bộ của Trung tâm Thực nghiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật từ làm đất, gieo cấy, bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển của cây, diễn biến phát triển của các loại sâu bệnh hại và đưa ra biện pháp phòng trừ phù hợp. Kết quả năng suất bình quân của mô hình lúa Khẩu Ký đạt 47,6 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 lần so với các giống lúa khác được gieo cấy cùng thời điểm tại địa phương. Ông Nguyễn Thế Thập, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, năng suất giống lúa Khẩu Ký hiện tại đạt 3.5 tấn – 4 tấn/ha, giá bán ra thị trường là 10.000-12.000 đồng/1kg. Như vậy, so với lúa thường thì năng suất của lúa Khẩu Ký thấp hơn nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Là người dân theo theo dự án được 2 năm, ông Lò Văn Muôn, bản Nà Pầu, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên cho biết, năng suất lúa Khẩu Ký tuy có thấp hơn lúa lai nhưng hiệu quả kinh tế gấp đôi nên gia đình sẽ mở rộng diện tích cấy thêm lúa trong thời gian tới. Cùng với dự án sản xuất lúa Khẩu Ký tại Tân Uyên, trong 2 năm 2015 và 2016, Sở KH&CN Lai Châu còn phối hợp với huyện Phong Thổ triển khai thực hiện Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển giống lúa Tẻ Râu tại cánh đồng Mường So. Tham gia mô hình này, 50 hộ dân xã Mường So được hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh gây hại. Nhờ có sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, sự chủ động tích cực của bà con nông dân nên diện tích lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt về hiệu quả kinh tế cao gấp hai lần so với gieo cấy lúa lai. Sau 5 năm thực hiện Dự án chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, trong sản xuất các giống lúa thuần chất lượng cao nói riêng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến nay, Lai Châu có khoảng hơn 300 ha lúa thuần chất lượng cao, bao gồm các giống như Séng Cù, Khẩu Ký và Tẻ Râu được gieo cấy tập trung tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường và Phong Thổ. Dự án không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần giúp bà con nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Ông Vũ Ngọc An, Giám đốc Sở KH&CN Lai Châu khẳng định, sau 5 năm thực hiện có thể nói hiện nay Dự án đã tạo ra được đặc sản gạo của tỉnh Lai Châu. Qua các hội chợ, triển lãm của ngành cũng như là các Hội nghị giao ban Vùng, đối với đặc sản gạo như Tẻ Râu, Khẩu Ký, Séng Cù đã được các địa phương khác ghi nhận và chấp nhận cho sản phẩm gạo có giá trị thương phẩm cao, tạo được thương hiệu gạo của tỉnh Lai Châu. Hiện nay, các doanh nghiệp đã vào cuộc, tổ chức kinh doanh để đưa gạo ra thị trường khu vực và trên toàn quốc. Từ hiệu quả dự án mang lại, tỉnh Lai Châu đã ban hành quyết định hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó hỗ trợ 50% giá giống đối với những hộ tham gia gieo cấy lúa thuần xác nhận. Các mô hình, dự án khoa học kỹ thuật được đầu tư hiệu quả đã từng bược giúp người dân chuyển đổi nhận thức trong canh tác, áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất chất lượng các sản phẩm, tăng hệ số sử dụng đất, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng nông thôn của tỉnh, qua đó góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bài, ảnh: Phương Nga
|