Bản in
Những nhà khoa học trẻ giúp người dân đảo Thổ Chu biến nước mặn thành nước ngọt
Từ chuyến đi thực tế tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang), ba sinh viên yêu khoa học đã sáng chế hệ thống tạo nước ngọt từ nước mặn cho cư dân hòn đảo này.

 Ba sinh viên đó là Trương Minh Phát (ĐH Kinh tế TP.HCM), Hà Thanh Sang (ĐH Sư phạm TP.HCM) và Trương Hoàng Minh (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM).

Những chuyện chưa kể nơi đảo xa

Phát, Sang và Minh cho biết, trước đây nhóm chỉ biết đến đảo Thổ Chu là một đảo tiền tiêu ở cực Nam tổ quốc, hoàn toàn không biết về những khó khăn thiếu thốn ở trên đảo.

Tháng 4/2017, khi nhận được phát động của cuộc thi “Ý tưởng tình nguyện”, nhóm đã nhận được thông tin cơ bản về cuộc sống của cư dân ở đảonày.

Quá trình tìm hiểu trên Internet, nhóm nhận thấy tình trạng thiếu nước ngọt trên đảo thường xuyên và ngày càng trầm trọng về quy mô. Tuy nhiên, đó là những thông tin trên mạng. Cho đến khi trực tiếp đến đảo Thổ Chu thực tế, nhóm mới cảm nhận cụ thể nhất về những khó khăn mà cư dân sống nơi đây đang đối mặt về vấn đề nước sạch.

Các anh, các chú, các bác bộ đội đón tiếp chúng em rất thân tình như thể đã quen thân từ trước. Mỗi buổi ăn ở đảo em luôn được ăn những thứ ngon nhất mà đơn vị có, trong đó phải nói quý nhất là rau mà đơn vị trồng dù ở đảo rất khan hiếm nước ngọt.

Rau rất quý nhưng buổi nào trên bàn ăn của đoàn vẫn rất nhiều rau, những đĩa rau đó đã thể hiện sự yêu mến của các anh bộ đội với những người khách đến từ đất liền như em và em rất nhớ điều đó”- Trương Hoàng Minh, thành viên nhóm kể.

Câu chuyện thiếu nước ngọt ở đảo Thổ Chu được các thành viên nhóm tiếp tục kể lại với những sự trăn trở.

Hà Thanh Sang, thành viên nhóm kể, nước giếng ở đảo bị nhiễm san hô nên bà con không thể uống được, chỉ còn cách mua các bình nước đóng chai 20 lít để sử dụng cho việc ăn uống.

Mỗi tháng, một gia đình 4 nhân khẩu dùng khoảng 20 bình nước, tức vào khoảng 500.000 đồng để mua nước ngọt sử dụng. Tình trạng "khát nước" của bà con chính là niềm cổ vũ, thôi thúc nhóm tìm tòi, thực hiện đề tài.

100 lít nước ngọt/ngày

Theo đó, nhóm sinh viên đã tạo ra một hệ thống tạo nước ngọt từ nước biển sử dụng năng lượng mặt trời. Hệ thống này nhằm giúp người dân ở đảo có thể chủ động trong việc sử dụng nguồn nước.

Hệ thống hoạt động với nguyên tắc đun nóng và kích thích nước biển bay hơi để thu nước ngọt.

Đây là phương pháp tái tạo nước ngọt khá cổ điển. Song, điểm mới của dự án là việc đun nóng nước được sử dụng bằng tấm đun nước năng lượng mặt trời để gia nhiệt cho một lượng nước ngọt không đổi, gọi là nước nguồn.

Lượng nước này sẽ là nguồn nóng chạy qua bể giúp đun nóng nước biển. Trong cơ chế bay hơi, hệ thống áp dụng phun giọt áp suất cao nước biển nhằm kích thích bay hơi.
 
Mô hình hệ thống tạo nước ngọt từ nước mặn của nhóm. Ảnh: NVCC.
 
Mô hình hệ thống tạo nước ngọt từ nước mặn của nhóm. Ảnh: NVCC.
 
Hiện nay, nhóm vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thực hiện các thí nghiệm để hoàn thiện cơ sở lý thuyết. Mới đây, nhóm đã hoàn thành thí nghiệm về sự bay hơi khi áp dụng ý tưởng phun nhỏ giọt và thổi gió.

Kết quả, khi áp dụng ý tưởng phun giọt áp suất cao và thổi gió rất khả quan. Với kết quả này, nhóm mong muốn có thể thu được khoảng 100 lít nước ngọt/ngày đối với hệ thống có một bể bay hơi rộng 4 m2 với giá thành hệ thống vào khoảng 110 triệu đồng.

Hiện nhóm đang trong quá trình tìm tòi để tìm cách ngưng tụ tốt nhất nhằm để thu được lượng nước nhiều nhất.

Sắp tới nhóm em sẽ tiếp tục tìm hiểu lý thuyết cũng như làm các thí nghiệm về việc ngưng tụ nước, qua đó nhằm nâng cao khả năng hệ thống”- Trương Minh Phát, trưởng nhóm chia sẻ.