|
|||
Chúng tôi gặp Duy đúng lúc em đang điều khiển chiếc máy di chuyển trên sông Phổ Lợi, đoạn chảy qua gần khu vực chợ Nọ, xã Phú Mậu, để vớt các túi nilon nổi trên mặt sông. Duy cho biết, ngoài rác thải, nhiều năm qua dòng sông này còn xuất hiện bèo tây sinh sôi nảy nở khiến dòng nước không lưu thông được, gây ứ đọng rác thải. Vì thế, việc cần làm là thu gom rác và vớt bèo hằng ngày, ngay từ các mẫu rất nhỏ. Từ thực tiễn này, Duy và Khanh đã nghĩ đến ý tưởng chế tạo một chiếc máy có thể tự động di chuyển trên mặt sông để vớt rác, sau đó vận chuyển đưa vào bờ…
Ý tưởng thiết thực là vậy nhưng để bắt tay thực hiện là cả một quá trình gian nan. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê sáng tạo khoa học và sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo Nguyễn Văn Hòa (giáo viên Trường THCS Phú Mậu) nên đầu năm 2017, Duy và Khanh đã bắt tay chế tạo chiếc máy vớt rác hoạt động bằng năng lượng mặt trời và các cảm biến.
Khanh cho biết, thiết bị vớt rác tự động có 5 phần riêng biệt, gồm bộ phận tời sử dụng mô tơ giảm tốc để kéo dây xích, nối giữa xích là các thanh inox để cào rác lên và đẩy rác vào thùng chứa phía sau. Phía trước máy được lắp đặt thiết bị cảm biến có thể quét 90 độ giúp nhận dạng vật cản trong khoảng cách 50cm, thiết bị này giúp mạch trung tâm điều khiển 2 cánh quạt đạp nước phía sau đổi chiều quay để thiết bị có thể tiến và lùi. Trên thiết bị còn được gắn tấm pin mặt trời và ắc quy tích điện để lấy năng lượng hoạt động.
“Chúng em còn chế tạo bộ phận remote cho phép người điều khiển máy vớt rác từ xa qua tần số sóng RF trong khoảng cách 1km. Trên remote có 1 tay cầm điều khiển cho thiết bị tiến, lùi, rẽ trái hoặc rẽ phải và công tắc nguồn cho phép máy hoạt động ở chế độ tự động hoặc bằng tay. Nếu ở chế độ tự động, máy sẽ tự vận hành, khi rác đầy, bộ phận kéo rác tự động dừng lại, chuyển qua chế độ điều khiển bằng tay để người dùng remote điều khiển máy vào bờ”, Duy chia sẻ.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, chiếc máy vớt rác tự động do Duy và Khanh chế tạo không những hoạt động vớt rác thành công trên sông mà còn hoạt động tốt ở các kênh, rạch và các ao hồ có mực nước tối thiểu 0,5m trở lên.
Với sản phẩm sáng tạo độc đáo có giá thành rẻ, trong đó có nhiều bộ phận được tận dụng từ nguồn vật liệu phế thải, với tính ứng dụng cao và có thể nhân rộng trong thực tiễn để bảo vệ môi trường nên đề tài sáng chế của Duy và Khanh được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Sản phẩm này của 2 em còn vinh dự đạt giải Ba cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên- Huế lần thứ X, năm 2017 |