Bản in
Thiết bị hỗ trợ trẻ tự kỷ đầy nhân văn của sinh viên Đà Nẵng
“Chúng em nghĩ mình cần phải làm một điều đó nhân văn để giúp những em nhỏ tự kỉ có thêm niềm vui trong cuộc sống”.

 Võ Thái Tuyễn – Phó chủ nhiệm CLB Pioneer chia sẻ về dự án đầy tính nhân văn mà CLB đang thực hiện.

Theo đó, xuất phát từ tấm lòng dành cho các em nhỏ không may mắc chứng tự kỉ, CLB Pioneer gồm đông đảo các sinh viên đến từ Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã xây dựng nên một dự án thiết thực để các em có thể học tập và vui chơi.

Được thành lập từ tháng 11/2012, Pioneer là mô hình CLB sinh viên nghiên cứu khoa học thuộc Liên chi đoàn khoa Điện tử - Viễn thông Trường Đại học Bách khoa. Câu lạc bộ hiện là “sân chơi” về nghiên cứu, sáng tạo khoa học của hơn 40 bạn sinh viên trong trường.

Theo bạn Võ Thái Tuyễn – Phó chủ nhiệm CLB Pioneer, ý tưởng về một dự án thiết bị hỗ trợ trẻ em tự kỉ được hình thành khi các bạn chứng kiến các em nhỏ tự kỉ gặp nhiều vấn đề trong việc ghi nhớ, học tập, vui chơi và giao tiếp với bạn bè.

Chúng em nghĩ mình cần phải làm một điều đó nhân văn để giúp những em nhỏ mắc tự kỉ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, vui vẻ hơn”, Tuyễn chia sẻ.

Sau khi khảo sát thói quen sinh hoạt của các em nhỏ tự kỉ tại trường chuyên biệt Tương Lai và trao đổi với các thầy cô về những khó khăn khi chăm sóc các em, các thành viên CLB đã bắt tay vào thực hiện bộ thiết bị hỗ trợ.

Bộ thiết bị bao gồm 3 chiếc máy, mỗi máy đảm nhận một chức năng riêng biệt, gồm: Máy hỗ trợ trẻ tự kỉ ghi nhớ, máy hỗ trợ nhận biết hình ảnh và máy hỗ trợ tập trung sự chú ý.

Mọi khâu thiết kế, lắp ráp đều do các bạn sinh viên trong CLB thực hiện “từ A tới Z”. Kinh phí thực hiện chủ yếu do các thành viên CLB tự bỏ tiền túi ra mua linh kiện và vật tư gia công. Những chiếc máy này được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế của trẻ tự kỉ với những trò chơi tích hợp, đơn giản, dễ chơi và nâng cao khả năng ghi nhớ, tính sáng tạo của trẻ tự kỉ.

Chẳng hạn như máy “hỗ trợ nhận biết hình ảnh” được tích hợp hơn 160 hình ảnh trong thẻ nhớ. Khi chơi, trẻ sẽ nhấn nút chọn 1 trong 6 hình ảnh giống với hình ảnh ở trung tâm màn hình.

Đặc biệt, máy sẽ phát ra tiếng kêu của một loài động vật khi trẻ nhấn đúng vào ảnh của loài đó trên màn hình.
 
Các em học sinh tỏ ra thích thú với bộ thiết bị. Ảnh: CLB Pioneer cung cấp
 
Các em học sinh tỏ ra thích thú với bộ thiết bị. Ảnh: CLB Pioneer cung cấp.
 
Máy “hỗ trợ tập trung sự chú ý” được gắn đèn LED thay đổi màu sắc, tạo ra các hiệu ứng đẹp mắt để kích thích sự chú ý của các em.

Máy “hỗ trợ ghi nhớ” thì có các nút bấm hình vuông được gắn các hình ảnh quen thuộc, có thể phát sáng theo thứ tự, các em sẽ ghi nhớ thứ tự sáng và nhấn theo các nút đó. Độ khó của trò chơi sẽ được nâng cao dần, có âm thanh báo hiệu khi người chơi nhấn đúng hoặc nhấn sai.

Máy cũng có chế độ chơi nhạc để các em có thể tạo ra các giai điệu vui nhộn khi nhấn nút.

Là một trong những thành viên tham gia dự án, bạn Trần Minh Sang - thành viên CLB cho biết: “Thời gian thực hiện các thiết bị này khá gấp rút, chỉ trong vòng 2 tuần. Các thành viên đa số là những bạn sinh viên năm 1 và năm 2 nên kinh nghiệm về máy móc chưa nhiều, lại gia công bằng tay nên máy còn một số nhược điểm. CLB sẽ cố gắng hoàn thiện hơn cho phù hợp”.

Cuối tháng 5 vừa qua, bộ thiết bị hỗ trợ do CLB chế tạo đã được lắp đặt và chạy thử tại phòng vui chơi thuộc cơ sở I của trường chuyên biệt Tương Lai và nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía nhà trường.

Theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Duy Quy, sáng chế rất nhân văn của CLB là điều tốt đẹp đối với cá nhân mỗi học sinh cũng  như các giáo viên trong trường.

Chi phí để tạo ra một bộ thiết bị với 3 sản phẩm khoảng 2,8 triệu đồng. Do đang trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm và kinh phí có hạn nên CLB sẽ xem xét nhu cầu sử dụng thực tế của các em trước khi nghĩ đến việc tăng số lượng thiết bị.

Từ thành công ban đầu của dự án thiết bị hỗ trợ trẻ em tự kỉ, CLB đang lên ý tưởng cho những dự án vì cộng đồng khác trong thời gian tới.