Bản in
Học trò vùng cao chế tạo người nộm đuổi chim tự động
Mô hình đã được mang đi thử nghiệm và bước đầu nhận được đánh giá tích cực của những nhà khoa học và người nông dân.

Là học sinh của trường THPT Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), điều kiện học tập và đi lại không được thuận lợi như bạn bè ở khu vực đồng bằng, thế nhưng Trương Thị Thùy Na vẫn nỗ lực học hỏi và tìm tòi để sáng tạo nên sản phẩm độc đáo, có thể ứng dụng để phục vụ nông nghiệp.

Bắc Trà My là một huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, người dân đa số gắn bó với đời sống nông nghiệp. Công việc trồng trọt vất vả. Những lo âu về mùa màng thất bát hay nỗi vất vả khi làm đồng luôn là vấn đề với những người nông dân.

Mỗi lần vào mùa vụ, để tránh thiệt hại mùa màng, người nông dân phải chia nhau đứng đuổi chim, đuổi chuột cho các cánh đồng. Có nơi sử dụng người nộm thô sơ làm từ áo quần cũ và tre, gỗ. Tuy nhiên, cả hai cách làm này đều chưa mang lại hiệu quả cao. Mỗi mùa gặt tới là thêm một lần người nông dân canh cánh nỗi lo thiệt hại.
“Trong một lần về quê, em có giúp bà ngoại ra đồng đuổi chim ăn lúa. Việc này vừa tốn thời gian, vừa tốn công sức. Em nhận thấy vào mùa lúa chín thì gió cũng thổi rất mạnh, bên cạnh đó ở các huyện miền núi như địa phương em hay có các con sông hoặc mương nước chảy mạnh nằm cạnh cánh đồng, từ đó em có ý tưởng là sử dụng sức gió hoặc sức nước để thay người đuổi chim, tiết kiệm một phần thời gian và công sức cho người nông dân”, Na chia sẻ về quá trình hình thành ý tưởng về "chiếc máy" đuổi chim.

Mất hơn một tháng thiết kế, lắp ráp, mô hình người nộm đuổi chim đã hoàn thành. Mô hình của Na chế tạo cũng “được” mặc quần áo giống như những hình nộm khác, tuy nhiên điểm độc đáo là ở hệ thống thiết bị bên trong với hai động cơ phát điện được gắn song song.
 
Trương Thị Thùy Na cùng thầy và các bạn cùng trường tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2017 khu vực phía Nam. (Ảnh: Trường THPT Bắc Trà My cung cấp).
 
Trương Thị Thùy Na cùng thầy và các bạn cùng trường tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2017 khu vực phía Nam. (Ảnh: Trường THPT Bắc Trà My cung cấp).
 
Một trong hai động cơ chạy bằng sức nước, sử dụng bánh xe nước đặt tại các con suối; động cơ này tạo ra điện bằng cách lợi dụng sức nước làm quay bánh xe, thích hợp với địa hình đồi núi, nhiều suối.
 
Động cơ còn lại chạy bằng năng lượng gió, sử dụng cánh quạt quay khi có gió để tạo điện. Khi có nguồn điện, cánh tay của hình nộm sẽ chuyển động và phát ra tiếng động để xua đuổi chim, chuột. Mô hình đã được mang đi thử nghiệm và bước đầu nhận được đánh giá tích cực của những nhà khoa học và người nông dân.
 
Sau khi giành giải Nhất tại Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, sản phẩm đã vinh dự được nhận giải đặc biệt tại Cuộc thi cấp quốc gia do các trường Đại học và các doanh nghiệp trao tặng.
 
“Nếu như có cơ hội thì em sẽ phát triển sản phẩm của mình theo hướng sử dụng nguồn năng lượng đó tạo điện để hoạt độg máy bơm nước, hoặc tích hợp với điện sinh hoạt”, Na chia sẻ về dự định tương lai với sản phẩm.