|
|||
Tham dự có ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN), ông Hoàng Văn Phong - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các đơn vị chức năng. Cũng nhân dịp kỷ niệm này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã ký quyết định tặng bằng khen cho tập thể Viện Khoa học SHTT và ông Tạ Quang Minh - Viện trưởng - về những thành tích đã đạt được trong 10 năm qua. “Từ những ngày đầu chỉ có 4 cán bộ, đến nay viện đã có 5 phòng chuyên môn với gần 30 công chức, viên chức, hợp đồng lao động. Về triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, viện thực hiện được 7 đề tài cấp bộ và gần 70 đề tài cấp cơ sở. Viện cũng đã triển khai các khóa đào tạo “Quản trị viên tài sản trí tuệ “ tại Việt Nam, bước đầu cung cấp kiến thức về SHTT và quản trị tài sản trí tuệ. Chương trình này đã tạo ra bước tiến mới, xu hướng mới trong triển khai hoạt động đào tạo về SHTT và xây dựng được một đội ngũ quản trị viên tài sản trí tuệ đầu tiên của Việt Nam. Tính đến nay, đã có khoảng 600 lượt học viên được đào tạo ở các cấp độ khác nhau” – ông Minh cho biết. Năm 2016, viện đã phối hợp với 4 đơn vị khác của Bộ KH&CN xây dựng đề án trung hạn tham gia Chương trình Hỗ trợ phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. Trong khuôn khổ đề án này, viện đã phối hợp với Cục SHTT, công ty Mitec xây dựng và được bộ giao thực hiện dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu trực tuyến về các đối tượng sở hữu công nghiệp và các công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Dự án được thực hiện trong 2 năm với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân khai thác hiệu quả nguồn thông tin sở hữu công nghiệp vào phục vụ quản lý KH&CN.
Ghi nhận những nỗ lực của tập thể Viện Khoa học SHTT trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, thời gian tới, cán bộ viện nói riêng và Bộ KH&CN nói chung cần tiếp tục có nhiều cố gắng, đổi mới trong hoạt động. Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, 3 nhiệm vụ hàng đầu của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (SHTT) là nghiên cứu, nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực của đội ngũ giám định SHTT. Viện cần đi sâu vào nghiên cứu các vấn đề lý luận thực chất nhất về SHTT. “Sự phát triển của kinh tế trong thời đại mới sẽ dựa nhiều vào KH&CN, trong đó các sản phẩm hàng hóa dịch vụ được yêu cầu phải có hàm lượng tri thức cao hơn để đóng góp vào chuỗi giá trị sản xuất và nền kinh tế. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức của ngành KH&CN. Việc nâng cao quyền SHTT của các sản phẩm và khai thác bản quyền là một trong những lĩnh vực cần đẩy mạnh” - Bộ trưởng nói. Cũng theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược Quốc gia về SHTT với mục tiêu lọt vào nhóm ASEAN+4 và phấn đấu chỉ đứng sau Singapore. Đây là thách thức rất lớn với ngành KH&CN.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm Bộ trưởng nhấn mạnh: “Viện có 3 nhiệm vụ chính là nghiên cứu, đào tạo huấn luyện và giám định tư vấn. Trong đó, cần có những nghiên cứu lý luận thực chất về SHTT để trở thành nền tảng phục vụ cho các hoạt động. Bên cạnh việc xác lập quyền bảo hộ thì việc khai thác bảo hộ quyền SHTT cũng rất quan trọng. Xu hướng này cần phải được đặt nền móng về nghiên cứu lý luận và có sự chuẩn bị trong thời gian dài". Trong quý 4, bộ sẽ trình Chính phủ dự thảo Chiến lược Quốc gia về SHTT, đồng thời báo cáo Chính phủ và Thủ tướng để từng bước tăng cường các hoạt động đã được phân công trong thời gian tới. Vì thế, lãnh đạo bộ kỳ vọng, Viện khoa học SHTT sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu, chất lượng dịch vụ và đội ngũ giảm định SHTT để có nhiều đóng góp hơn cho sự phát triển của ngành KH&CN. Tin, ảnh: PV |