Bản in
Không đăng ký sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp tự loại mình khỏi cuộc chơi
Thiếu sự quan tâm, thiếu kiến thức, thiếu bộ phận chuyên trách về tài sản trí tuệ (TSTT) đang gây ra những thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp Việt.

 Để góp phần giải quyết điều đó, ngày 19.5, Sở KH&CN TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp”.

Tại hội thảo, chia sẻ về mối lo bị đánh cắp kiểu dáng, xâm phạm TSTT, ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cho biết, điều này gây bất lợi cho nhà sáng tạo gốc, nhà sản xuất chân chính. Ngoài ra, tài sản trí tuệ không được bảo vệ đúng mức gây ảnh hưởng đến động lực phát triển sản phẩm mới.
 
Qua thực tế tổ chức Hội chợ Tôn vinh hàng Việt vài năm qua của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho thấy, các sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao nhưng các tiêu chuẩn cần thiết, trong đó có sở hữu trí tuệ (SHTT) còn ít được quan tâm.
 
Đồng tình với ý kiến của ông Việt Anh về việc doanh nghiệp chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của bảo vệ TSTT, bà Hoàng Tố Như - đại diện phòng SHTT – Sở KH&CN chia sẻ có những sự kiện, hoạt động về SHTT, số lượng doanh nghiệp tham dự đạt chưa tới 20% lượng thư mời phát ra. Điều này hết sức nguy hiểm cho doanh nghiệp khi mà các sự vụ liên quan đến tranh chấp SHTT tài sản trí tuệ.

Trong hội thảo, bà Như nhấn mạnh về tầm quan trọng của tài sản trí tuệ với doanh nghiệp. Không đăng ký SHTT, quản lý tốt tài sản trí tuệ  là doanh nghiệp đã tự loại mình khỏi cuộc chơi.

Không chỉ vậy, vì không nắm rõ kiến thức về SHTT mà vô ý hoặc thậm chí cố tình xâm phạm SHTT vì mục đích lợi nhuận có thể sẽ khiến cho doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với dự đoán của họ.

Một ví dụ được đưa ra là việc sử dụng các phần mềm không bản quyền. Theo bà Như, nếu doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng phần mềm không bản quyền sẽ bị bắt mua bổ sung đầy đủ bản quyền cho những toàn bộ các chức năng trong phần mềm mà doanh nghiệp sử dụng. Chỉ riêng chi phí này đã cao hơn rất nhiều so với việc doanh nghiệp lựa chọn mua và sử dụng hợp lý các chức năng cần thiết.

Ngoài ra, các sản phẩm của doanh nghiệp tạo ra từ sử dụng phần mềm lậu cũng đối mặt nguy cơ cao bị thị trường từ chối.

Với tầm quan trọng như vậy, bà Như đề xuất các doanh nghiệp nên tổ chức bộ phận hoặc cá nhân chuyên trách về SHTT. Về vấn đề này, ý kiến thắc mắc tại sao phải cần bộ phận chuyên trách khi mà hiện nay không thiếu các tổ chức trung gian sẵn sàng cung cấp dịch vụ về  SHTT với mức giá hợp lý.
 
Bà Hoàng Tố Như đề xuất các doanh nghiệp tổ chức bộ phận chuyên trách về SHTT.
Bà Hoàng Tố Như đề xuất các doanh nghiệp tổ chức bộ phận chuyên trách về SHTT
 
Giải đáp ý kiến này, bà Như cho rằng các tổ chức trung gian chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký SHTT và giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Muốn quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ hiệu quả cũng như bảo vệ bí mật kinh doanh thì doanh nghiệp chủ động thực hiện.

Ngay tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã nhờ tư vấn về các vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp cần hỗ trợ. Không chỉ giải đáp trực tiếp ngay cho các doanh nghiệp, bà Hoàng Tố Như đại diện cho phòng SHTT cam kết đồng hành, nâng cao kiến thức về tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề về SHTT.