Bản in
Sáng chế đưa kinh tế - xã hội phát triển
Mỗi một độc quyền công nghệ được thiết lập, tri thức công nghệ của xã hội được đổi mới một bước. Đồng thời, xã hội không phải mất công sức, thời gian, chi phí cho việc tìm kiếm lại những công nghệ đã được tìm ra rồi.

Sáng chế là nhân tố quyết định trình độ công nghệ

Đối tượng sáng tạo kỹ thuật là nhân tố quyết định trình độ công nghệ, do đó quyết định trình độ phát triển và cạnh tranh của nền kinh tế, trong những đối tượng đó, các sáng chế được coi là tiêu biểu. Mọi ngành công nghệ đều được xây dựng trên nền tảng các sáng chế. Đổi mới công nghệ cũng có nghĩa là bổ sung các sáng chế mới trong nền tảng đó.

Cạnh tranh công nghệ thực chất là cạnh tranh tìm kiếm và khai thác các sáng chế mới. Vì vậy, thiết lập và vận hành một cơ chế thúc đẩy việc tạo ra sáng chế mới là một đòi hỏi gay gắt và thường xuyên đối với bất cứ một nền kinh tế nào.

Cũng tương tự như các đối tượng sáng tạo kỹ thuật, các chỉ dẫn thương mại (nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng sản phẩm…) cũng đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng vị trí cạnh tranh trên thị trường..

Hiện nay, hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) hay sở hữu công nghiệp (SHCN) đã thiết lập một cơ chế cân bằng lợi ích giữa người nắm giữ quyền SHTT và xã hội, trong đó bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến quyền SHTT của chủ thể cũng bị ngăn chặn và xử lý.

Vì vậy, bất kỳ một nền kinh tế thị trường nào mà không có hệ thống SHTT (SHCN) thì hầu như đều bị rơi vào tình trạng cạnh tranh hỗn loạn, thiếu lành mạnh và không có năng lực công nghệ nội sinh.

Tình trạng trì trệ trong công tác nghiên cứu - triển khai, hiện tượng chụp giật các kết quả nghiên cứu đạt trình độ sáng chế, giải pháp hữu ích; nghiên cứu trùng lặp; bí mật giấu đi các giải pháp kỹ thuật mới; sao chép bắt chước các kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa là kết quả tất yếu của việc không triển khai hoặc triển khai không có hiệu quả hoạt động sở hữu công nghiệp.

Khuyến khích các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ  

Các hãng, các công ty nước ngoài có ý đồ làm ăn nghiêm túc, lâu dài với Việt Nam đều tìm cách đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp để được bảo hộ. Chính vì vậy, các công ty nước ngoài khi đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư thì việc đầu tiên là họ tìm hiểu hệ thống pháp luật và tình hình bảo hộ sở hữu công nghiệp của ta. Họ coi đó là một đảm bảo cho việc đầu tư có hiệu quả.

Người nước ngoài đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam còn nhằm mục đích chào bán quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mà họ được bảo hộ cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh của Việt Nam (bán lixăng). Hiện nay, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo lixăng đã bắt đầu hình thành và đang trở thành biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy sản xuất, đổi mới công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu ở các nước, nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan.

Bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Hoạt động sở hữu công nghiệp không chỉ là việc bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp trong phạm vi quốc gia mà còn được mở rộng sang các nước khác. Đăng ký bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp ở một hoặc một số nước chính là nhằm giành được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp ở những nước đó. Vấn đề này có ý nghĩa thực tiễn to lớn, thể hiện rõ nhất là đối với nhãn hiệu hàng hóa. Sản phẩm xuất khẩu mang nhãn hiệu trong nước.

Nếu không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đó ở nước nhập khẩu thì khi đạt được uy tín với người tiêu dùng, nhãn hiệu này chắc chắn sẽ có người bắt chước, thị trường tiêu thụ có thể giảm hoặc mất hoàn toàn, vì vậy, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá ở nước ngoài để bảo vệ mặt hàng xuất khẩu trở thành vấn đề rất quan trọng và bức thiết đối với cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đối với nước ta, vấn đề này chưa được quan tâm nhiều nên chưa tạo được nhiều nhãn hiệu hàng hóa có uy tín đối với những sản phẩm truyền thống ở thị trường nước ngoài. Một số sản phẩm xuất khẩu được thị trường nước ngoài ưa chuộng nhưng vì không đăng ký bảo hộ nên đã bị bắt chước chế tạo và dẫn đến mất thị trường nơi hàng hóa được xuất sang.

Cứ như vậy, mỗi một độc quyền công nghệ được thiết lập, tri thức công nghệ của xã hội được đổi mới một bước. Đồng thời, xã hội không phải mất công sức, thời gian, chi phí cho việc tìm kiếm lại những công nghệ đã được tìm ra rồi.

Tùng Lâm