|
|||
Đó là “Chiếc kính phát hiện vật cản, định hướng di chuyển và định vị GPS dành cho người khiếm thị” của hai em Từ Thái Nguyên và Nguyễn Thị Thùy Trân (lớp 9, trường THCS Trần Cao Vân, TP. Huế, Thừa Thiên – Huế). Chiếc kính… tìm đường Sản phẩm của hai em đã giành được giải Nhất lĩnh vực Vật lý – Thiên văn cuộc thi Khoa học Kỹ thuật học sinh trung học năm 2016-2017 tỉnh Thừa Thiên Huế, giải Khuyến khích chung cuộc Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017, giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng thành phố Huế năm 2017. Thái Nguyên và Thùy Trân cho biết, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, giúp con người nhìn nhận và tiếp cận thế giới xung quanh một cách trực quan. Do đó, việc mất đi đôi mắt là một thiệt thòi rất lớn đối với mỗi người, làm cho cuộc sống trở nên khó khăn, nhất là việc đi lại và thực hiện các công việc hằng ngày. “Vì thế, chúng em đã quyết tâm nghiên cứu và thực hiện đề tài. Qua đó, chúng em mong muốn chế tạo ra một sản phẩm ứng dụng thực tế hữu ích dành cho người khiến thị”, Trân chia sẻ. Từ những vật liệu mua được và tận dùng chiếc kính cũ đã qua sử dụng, hai em tạo ra chiếc kính có chức năng mới, hữu ích. Theo tìm hiểu, từ tháng 6/2016, hai em lên ý tưởng rồi tiến hành chuẩn bị linh kiện, vật liệu cần sử dụng. Sau đó, lắp ráp, nối dây các linh kiện mạch điện tử theo sơ đồ nguyên lý. Đồng thời, tiến hành kiểm tra dây đầu nối, cấp nguồn và kiểm tra hoạt động, lắp mạch điện vào kính và dây thắt lưng. Các thiết bị của chiếc kính hữu ích. Ảnh: Nhật Tuấn. Theo đó, khi người khiếm thị di chuyển về phía trước, cảm biến siêu âm gắn ở kính sẽ phát sóng siêu âm về phía trước để dò vật cản. Nếu xuất hiện vật cản, cảm biến siêu âm sẽ phát hiện và loa sẽ kêu để cảnh báo người khiếm thị dừng lại. Nguyên cho biết: “Lúc này, họ không biết nên di chuyển sang trái hay phải, do đó động cơ Servo RC sẽ điều khiển cho cảm biến siêu âm quay qua trái 90 độ, rồi quay qua phải 90 độ để kiểm tra bên trái và bên phải có vật cản hay không. Từ đó, sẽ đưa ra hướng di chuyển kế tiếp cho người khiếm thị thông qua 2 động cơ rung” Giúp người khiếm thị không bị lạc Không chỉ giúp tìm đường cho người khiếm thị, chiếc kính này còn giúp chủ nhân của nó trong việc xác định vị trí hiện tại, qua đó phục vụ cho việc tìm kiếm người khiếm thị nếu lỡ may bị lạc đường. Trân cho biết thêm, khi người khiếm thị di chuyển, hệ thống định vị GPS sẽ nắm bắt vị trí qua hệ thống định vị toàn cầu và báo về Smartphone của người thân hoặc trung tâm quản lý. Do đó, nếu người khiếm thị đi lạc hay muốn biết vị trí người khiếm thị ở đâu, ta có thể xác định tọa độ trên bản đồ của Smartphone. Theo tìm hiểu của hai em, trên thị trường và các trung tâm nghiên cứu cũng đã bán và đưa ra các sản phẩm kính dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa có những tính năng nổi bật hỗ trợ nhiều dành cho người khiếm thị. "Ngoài đặc tính đã có như các thiết bị trên thị trường, thiết bị của chúng em sử dụng các vật liệu có sẵn, dễ tìm kiếm cùng các tính năng mới và hoạt động ổn định”, Nguyên cho biết. Tính sáng tạo của sản phẩm là có thể xác định vật cản từ 3 hướng mà người khiếm thị không cần xoay người kiểm tra, từ đó đưa ra thông báo hợp lý nhất để họ di chuyển mà không bị vật cản. Ngoài ra, sản phẩm còn sử dụng định vị toàn cầu GPS để biết vị trí đang di chuyển của người khiếm thị, giúp cho việc quản lý và tìm người khiếm thị khi bị lạc sẽ dễ dàng hơn. Hai em đang thử nghiệm chiếc kính. Ảnh: Nhật Tuấn. Thiết bị có cấu tạo đơn giản với 6 chi tiết và dễ lắp ráp. Do đó, người thân của người khiếm thị có thể mua các linh kiện về lắp ráp để người khiếm thị sử dụng. Giá thành của 1 chiếc kính dành cho người khiếm thị khá rẻ (nguyên bộ 600.000 đồng) so với các sản phẩm bán trên thị trường. Nguyên cho biết thêm, thiết bị đã chạy thử nghiệm ổn định, chính xác, đảm bảo độ tin tưởng khi sử dụng, góc quét rộng hơn với thời gian nhanh hơn. “Hiện tại, chúng em đã thay cảm biến siêu âm thành cảm biến hồng ngoại để góc quét được rộng hơn. Khi tạo ra thiết bị này, khó khăn mà chúng em gặp phải là ở phần lập trình và gia công. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của bạn bè, sự giúp đỡ của thầy cô nên chúng em đã hoàn thành tốt công việc”, Trân chia sẻ. Sau khi sản xuất, thiết bị sẽ được tài trợ cho các trung tâm khiếm thị của tỉnh để các bạn khiếm thị có thể sử dụng. Thái Nguyên và Thùy Trân hy vọng, với sản phẩm này sẽ giúp đỡ một phần nào đó cho người bị khiếm thị, để họ có niềm vui trong cuộc sống. Hai em cùng giáo viên hướng dẫn đang nghiên cứu tại phòng thực hành. Ảnh: Nhật Tuấn. Được biết, sắp tới, sản phẩm sẽ được mang đi dự thi tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017. Cô Nguyễn Thị Kim Chi (giáo viên hướng dẫn) cho biết, Thái Nguyên và Thùy Trân học tập tốt, đam mê khoa học và có tâm với bạn bè. “Nếu có điều kiện, thiết bị này có thể nhân rộng để giúp ích cho người khiếm thị. Sản phẩm giá rẻ, có thể phát hiện vật cản và định vị được vị trí người khiếm thị thông qua cài đặt với điện thoại người thân”, cô Kim Chi chia sẻ.
|