|
|||
Sáng chế này cũng vừa đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia khu vực phía bắc do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức đầu tháng 3-2017. Tác giả của sáng chế này là em Phạm Huy, học sinh lớp 11A3, trường THPT thị xã Quảng Trị. Theo Huy, em đã ấp ủ ý tưởng này từ những năm còn học lớp 8. Sau đó, đến khi lên lớp 10 thì em bắt đầu bắt tay vào thực hiện. Xuất phát của ý tưởng này là bởi Huy thấy quê mình nhiều nạn nhân bom mìn, rồi tai nạn giao thông bị mất đi cánh tay mà chi phí để lắp một cánh tay giả của nước ngoài chế tạo lại vô cùng đắt nên em nghĩ mình phải tạo ra một cánh tay robot có giá thành rẻ hơn để phù hợp với điều kiện của người nghèo. Gia đình Huy không dư giả gì khi bố làm nghề sửa xe, mẹ bán vải ở chợ. Nhưng tiệm sửa xe máy của bố lại chính là nơi đầu tiên chắp cánh cho mơ ước làm một nhà sáng chế của Huy.
Nhưng cánh tay thô sơ này không được linh hoạt, tinh xảo như cánh tay hiện tại Huy đưa đi thi. Đến năm lớp 10, Huy mới có điều kiện hoàn thiện sản phẩm của mình. Căn phòng nhỏ của Huy mấy năm nay như một xưởng chế tạo với nhiều dụng cụ và vật liệu. Bà nội Huy kể đó như thế giới riêng của Huy. “Huy say mê chế tạo đến nỗi nhiều bữa thức trắng đêm để mày mò với cánh tay giả. Kêu đi ngủ thì nói khó ngủ khi chưa tìm ra giải pháp cho một khúc mắc nào đó trên cánh tay”, bà nội Huy vừa nhai trầu vừa kể về niềm đam mê của cháu. Cánh tay giả mà Huy vừa đoạt giải nhất trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía bắc vừa qua, Huy mất khoảng gần một năm để hoàn thành. Tổng số tiền Huy đầu tư để chế tạo thành công cánh tay robot này chỉ mất khoảng ba triệu đồng. Như sợ chúng tôi chưa tin, Huy chạy lên phòng ôm chiếc hộp đựng toàn bộ “công trình” của mình xuống. Đó là một cánh tay được thiết kế bằng nhựa PLA có hình dáng giống với một cánh tay người lớn bình thường. Đầu ngón tay có đầy đủ năm ngón tay được Huy chia thành từng đốt. Huy lôi từ đáy hộp ra một chiếc dép cao su. Chiếc dép này cũng là Huy tự mua cao su về cắt dán thành. Phía trước mũi dép, Huy gắn ba miếng cảm biến. Huy mang chiếc dép vào chân rồi nhấn lần lượt vào ba miếng cảm biến bằng các đầu ngón chân. Khi nhấn, cánh tay giả của Huy phía trên có thể cử động được các ngón và cũng có thể quay trái, quay phải, lật úp... Thầy Lê Công Long, giáo viên được phân công hướng dẫn Huy làm công trình này kể, khi đưa sản phẩm này ra Phú Thọ dự thi đầu tháng ba vừa qua, hội đồng giám khảo cũng ấn tượng với khả năng vận hành này của cánh tay Huy chế tạo. Các giám khảo cũng đánh giá cao về tính ứng dụng thực tế của sản phẩm này. Có lẽ vì thế mà Huy được chấm giải nhất. Huy nói mơ ước lớn nhất của em là sẽ tiếp tục hoàn thiện cánh tay robot của mình để giúp những người khuyết tật có thể thuận tiện hơn trong sinh hoạt hàng ngày. |