Bản in
Đổi mới sáng tạo quyết định sự phát triển
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), công nghệ, tri thức và sáng tạo đang trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Trong đó, doanh nghiệp (DN) hoạt động với các sản phẩm phát triển dựa trên tri thức hay DN đổi mới sáng tạo giữ vai trò trung tâm trong quá trình phát triển…

Nhìn rõ hơn về tài sản vô hình

Trong cuộc CMCN 4.0, tài sản sở hữu trí tuệ, công nghệ là năng lực và lợi thế cạnh tranh chủ yếu. Theo số liệu từ Ocean Tomo, LLC (Quỹ đầu tư được thành lập từ năm 2003 hoạt động thương mại trong lĩnh vực tài sản trí tuệ), cơ cấu tài sản vô hình theo giá thị trường của 500 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ đã tăng từ 17% năm 1975 lên mức 84% năm 2015. Từ những kết quả nghiên cứu và thống kê qua nhiều năm gần đây, Ocean Tomo đã chỉ ra tài sản vô hình ngày càng trở nên quan trọng hơn tài sản hữu hình.

Như thế, tài sản vô hình chiếm giữ giá trị lớn trong chuỗi giá trị của một sản phẩm. “Trong chuỗi giá trị của sản phẩm, khâu gia công có giá trị thấp nhất; giá trị cao nhất nằm ở thượng nguồn, bao gồm ý tưởng, thương hiệu, R&D, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), thiết kế, cung ứng và ở phía dưới như phân phối, bán hàng, tiếp thị, dịch vụ hậu mãi”, ông Lê Hoài Quốc - Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) TPHCM, cho biết như vậy.

Trong một tiếp cận khác, khái niệm về chuỗi giá trị trong công nghiệp sản xuất liên quan tới CNTT cũng được hình tượng hóa bởi “Đường cong miệng cười Stan Shih”. Theo đó, trong chu kỳ sống của sản phẩm, bao gồm những giai đoạn đi từ ý tưởng hình thành sản phẩm đến nghiên cứu, thiết kế và phát triển hoàn thiện sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm, phân phối, tiếp thị và dịch vụ hậu mãi là những công đoạn cộng thêm vào giá trị thực thụ của sản phẩm. Trong chuỗi giá trị này, giai đoạn gia công, chế tạo chiếm giữ giá trị thấp nhất không chỉ trong lĩnh vực sản xuất máy tính mà nó hầu như đúng đối với mọi sản phẩm công nghiệp.

Đối với sản phẩm CNC, quan sát chuỗi giá trị càng thấy rõ hơn sự chênh lệch về giá trị trong chuỗi giữa tài sản vô hình và tài sản hữu hình. Đồng thời, dễ nhận ra rằng hầu hết tài sản vô hình nằm trong hoạt động đổi mới sáng tạo (innovation) của DN.

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào toàn cầu hóa, thu hút FDI ngày càng nhiều, xuất/nhập khẩu tăng nhanh nhưng DN trong nước nhìn chung chưa nâng cao được bao nhiêu về trình độ công nghệ và hầu hết vẫn đứng ở đáy của chuỗi giá trị toàn cầu, là điều hết sức gay go trước làn sóng CMCN 4.0.

Ông Lê Hoài Quốc cũng nhìn nhận rằng: Đối với những DN trong nước đang đầu tư tại Khu CNC TPHCM, thông qua sự xét chọn khá nghiêm ngặt, cũng đã có những bước tiến trong việc tham gia vào chuỗi giá trị với giá trị gia tăng dựa trên đổi mới sáng tạo… Nhưng quá trình tổ chức hoạt động đổi mới sáng tạo, xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tế cũng gặp rất nhiều khó khăn, bất cập ở nhiều mặt hoạt động và cần thiết phải có sự khuyến khích, hỗ trợ từ nhà nước để có thể vượt qua.

Tìm động lực tăng trưởng mới

Chúng ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thu hút nhiều FDI, xuất khẩu tăng nhanh nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế gia công, dựa chủ yếu vào vốn và gia công giá rẻ. Chính vì vậy, chúng ta không thể tham gia vào các phân khúc có giá trị cao hơn mà chỉ làm gia công khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị và trở thành lệ thuộc.

Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải bằng công nghệ, bằng nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều đó chỉ có được khi dựa vào tri thức, đổi mới và sáng tạo. Đó chính là nguồn động lực cho phát triển của Việt Nam hiện nay. Trong hệ thống đổi mới sáng tạo, DN là khâu trung tâm của quá trình biến tri thức thành của cải, sản phẩm. DN đổi mới sáng tạo (còn gọi là DN dựa trên tri thức, DN khoa học-công nghệ) là những DN mà nguồn lực chủ yếu để phát triển là công nghệ, tri thức và sáng tạo. Đó là những DN được thành lập dựa trên kết quả của một sáng chế, hoặc từ kết quả R&D (nghiên cứu và phát triển), ý tưởng và kỹ năng kinh doanh mới. Đó cũng là những DN đang hoạt động thực hiện đổi mới bằng công nghệ mới, tri thức kinh doanh mới. 

Ông Quốc nhận định: “Theo phương thức cũ, việc tài trợ từ ngân sách trực tiếp cho các đề tài R&D, các dự án sản xuất thử nghiệm... đều có kết quả rất hạn chế. Nguyên nhân chính là có quá ít DN tham gia các chương trình phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) đưa sản phẩm hoàn thiện, có tính cạnh tranh ra thị trường. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính để DN tham gia, nhận được tài trợ còn quá rườm rà, tốn nhiều thời gian, công sức. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, phát triển KH-CN cũng chưa tác động hỗ trợ các đối tượng đúng và trúng vào các khâu quyết định trong quá trình thương mại hóa sản phẩm R&D”.

“Cần làm hơn là thay đổi chính sách đầu tư: cắt giảm đầu tư các dự án quy mô lớn duy ý chí kém hiệu quả, ưu tiên hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm R&D cho các DN KH-CN, DN CNC”, ông Lê Hoài Quốc cho biết như vậy.

Để giúp cho các DN KH-CN vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, rất cần thiết phải quan tâm hỗ trợ quá trình thương mại hóa, tập trung vào các khâu liên quan đến tài sản trí tuệ, tài sản vô hình, gồm:

Tài trợ khoản chi phí cho công ty, nhóm khởi nghiệp tiếp tục hoàn thiện mẫu mã sản phẩm, thiết kế lại.

Hỗ trợ hoàn thiện công nghệ cho sản phẩm mẫu ban đầu (prototype).

Hỗ trợ chi phí thuê chuyên gia tư vấn thị trường (khảo sát, xác định phân khúc thị trường), tư vấn mô hình kinh doanh.

Hỗ trợ định giá giá trị của công nghệ mới, sản phẩm R&D dự kiến ra thị trường.

Hỗ trợ đăng ký hợp chuẩn sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ công nghệ, mẫu mã sản phẩm mới.

Giúp công tác tiếp thị thuận lợi, giúp các thủ tục đưa nhanh sản phẩm CNC ra thị trường (đặc biệt cho nhóm sản phẩm R&D y sinh, nông nghiệp CNC...) hoặc xem xét đưa vào chương trình sản phẩm CNC, sản phẩm công nghiệp CNC để tiếp tục có các nguồn tài trợ lớn hơn.

 

Hỗ trợ, tư vấn thủ tục thành lập công ty khởi nghiệp, hay chuyển nhượng quyền khai thác, kinh doanh sản phẩm R&D thương mại hóa.