Bản in
Sáng chế mang lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Trò chuyện với phóng viên bên lề Lễ kỷ niệm 1 năm Ngày thành lập Hội sáng chế Việt Nam (26/10/2016) và Tọa đàm “Sáng chế và Khởi nghiệp”, ông Lê Huy Anh – Trưởng phòng Sáng chế 2 – Cục Sở hữu Trí tuệ đã cho biết như vậy.

Theo ông các sáng chế có ý nghĩa thế nào đối với khởi nghiệp?

Có nhiều yếu tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó, yếu tố cấu thành đầu tiên là ý tưởng, sáng chế và nghiên cứu. Điều đó cho thấy vai trò và nội hàm của sáng chế ở đây rất quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp.

Sáng chế khi đăng ký và được bảo hộ thì độc quyền sáng chế được thiết lập. Trên cơ sở độc quyền sáng chế, chủ sở hữu có độc quyền sử dụng sáng chế và có quyền ngăn cấm tất cả những người khác chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế. Điều này mang lại lợi thế rất lớn về năng lực cạnh tranh, về thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển.

Thưa ông, so với các nước trong khu vực, hoạt động sáng chế, sáng tạo của Việt Nam đang ở mức nào?

Hiện tại có thể nói, không có số liệu thực sự chính xác để xếp hạng khả năng hoạt động sáng chế, sáng tạo. Mặc dù, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO đã có đánh giá theo chỉ số đánh giá sáng tạo toàn cầu mà ở đó trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và đứng trước các nước còn lại, nhưng đó cũng chỉ là một trong số các chỉ số.

Theo ý kiến cá nhân của tôi, với điều kiện tìm hiểu và được cọ sát với các đồng nghiệp trong khu vực ASEAN thì tôi thấy, nếu đánh giá khiêm tốn và nghiêm khắc hơn thì chúng ta ở top thứ 4. Điều đó có nghĩa là chúng ta đứng sau khá nhiều so với Singapore, Malaysia và đứng sau Thái Lan, Philippine một chút.

Đó là những nước đi trước chúng ta về hệ thống thể chế, cơ chế thị trường, tự do cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế và hệ thống thể chế về sáng chế, sáng tạo. Nếu chúng ta có quyết tâm từ trên, có hướng đi đúng thì trong thời gian không xa, chúng ta có thể đạt trình độ ngang với Thái Lan và Philippine.

Vậy theo ông, đúng hướng là đi như thế nào?

Đúng hướng ở đây là chúng ta phải xây dựng hệ thống thể chế tinh tế, đầy đủ, rõ ràng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Chúng ta cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, đi đôi với đó cần tổ chức thực hiện, thực thi hiệu quả, hiệu lực, đi sâu vào từng người dân, từng doanh nghiệp, từng tổ chức nghiên cứu.

Theo ông đâu là điểm yếu của các sáng chế tại Việt Nam?

Các nhà sáng chế cũng như doanh nghiệp, thậm chí các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước ta vẫn còn yếu về kỹ năng tạo lập sáng chế. Ở các nước phát triển, sáng chế được tạo lập một cách bài bản, chuyên nghiệp, có chiến lược, định hướng, lộ trình rõ ràng. Trước khi bắt tay vào tạo lập sáng chế, bao giờ người ta cũng tìm hiểu tình trạng kỹ thuật. Họ xem xét cẩn thận trong lĩnh vực đó, công nghệ đã được công bố trên thế giới đang ở trình độ thế nào, những gì đã được công bố... để có thể tránh được hành vi xâm phạm một cách vô tình do thiếu hiểu biết hoặc trong những trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

Với các nhà sáng chế của Việt Nam, tất cả các khâu đó đều yếu. Ngay cả các nhà sáng chế chuyên nghiệp của chúng ta tại các trường, các viện mà chúng tôi đã làm việc vẫn còn chưa chuyên nghiệp và thiếu kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng tra cứu và tạo lập sáng chế.

Phạm vi bảo hộ của các sáng chế của Việt Nam thường hẹp. Phạm vi bảo hộ hẹp sẽ gây khó khăn cho chủ sở hữu khi thực thi độc quyền sáng chế, bởi việc đăng ký sáng chế đi kèm với việc công bố sáng chế. Đối thủ cạnh tranh có thể căn cứ vào thông tin sáng chế được công bố để tạo ra các sáng chế có bản chất tương đương, thậm chí tốt hơn.

Ở góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông, Nhà nước nên làm gì để khắc phục tình trạng này?

Có lẽ việc chúng ta cần làm ngay đó là có một hệ thống đào tạo, hỗ trợ các nhà sáng chế, hệ thống truyền thông, nâng cao năng lực cho các nhà sáng chế. Đặc biệt, chúng ta phải có một hệ thống đào tạo thực sự có hiệu quả, thực học, thực nghiệp, để làm sao các nhà sáng chế, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp sau khi được đào tạo có thể tự thực hiện được việc tạo lập sáng chế một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Họ phải được trang bị các kiến thức cơ bản về hệ thống pháp luật, bảo hộ sáng chế, kỹ năng tra cứu tình trạng kỹ thuật, kỹ năng thể hiện bản mô tả sáng chế. Để làm những việc đó, cần sự chung tay của toàn xã hội, đi đầu là các cơ quan Nhà nước về khoa học, công nghệ và sở hữu trí tuệ.

Cùng với Hệ thống thể chế công khai, minh bạch được đề cập ở trên và định hướng rõ rệt hơn về những nội dung liên quan tới khuyến khích đổi mới sáng tạo và kèm theo đó là hiệu lực, hiệu quả của việc tổ chức thực hiện. Đó là những biện pháp cơ bản giúp chúng ta có thể nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động sáng chế, cũng như đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Gần đây, nhiều sáng chế được sáng tạo bởi chính những người nông dân hoặc những người không chuyên. Vậy theo ông, điều này đáng mừng hay đáng lo?

Theo tôi nghĩ là đáng mừng. Nhu cầu tìm tòi, đổi mới sáng tạo công nghệ, tạo lập sáng chế là nhu cầu tự thân, thậm chí là niềm đam mê của rất nhiều người trong xã hội, ở đâu cũng vậy, không chỉ ở Việt Nam.

Theo tôi biết, có nhiều người đánh cược cả gia sản của mình để theo đuổi niềm đam mê sáng chế. Trong những năm qua, số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích được nộp bởi các tổ chức, cá nhân Việt Nam làm công tác nghiên cứu, phát triển chuyên nghiệp có sự gia tăng đáng khích lệ.

Theo thống kê sơ bộ về tình hình nộp đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, đến nay Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nộp 173 đơn, Đại học Quốc gia TPHCM đã nộp 192 đơn, Đại học Bách Khoa Hà Nội nộp 120 đơn, công ty FPT nộp 69 đơn. Theo đánh giá, đó là những giải pháp có hàm lượng chất xám cao, giải quyết các vấn đề tương đối hóc búa.

Trong năm 2015, số lượng đơn đăng ký sáng chế được nộp bởi tổ chức, cá nhân Việt Nam tại Cục Sở hữu trí tuệ là 582 đơn, chiếm khoảng 11,5% so với tổng lượng đơn đăng ký sáng chế. Về lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích thì lượng đơn của Việt Nam trong năm 2015 là 311 đơn, chiếm khoảng 68,8% tổng lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích.

Xin cảm ơn ông!

 

Ông Trần Quốc Thắng – Nguyên Thứ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam.

 

 

Mỗi một sáng chế là một kết quả tìm tòi khám phá, là một ý tưởng rất mới. Để hiện thực hóa các ý tưởng đó là một câu chuyện không hề đơn giản, đòi hỏi phải có vốn, phải có nhà đầu tư, có những người tìm hiểu về thị trường và phát triển thị trường.

Hiện nay, Nhà nước đang xây dựng những chương trình, hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi nhất để kết hợp các nhà sáng chế với doanh nghiệp, nhà đầu tư để đưa những sáng chế, sáng tạo đó thành kết quả, sản phẩm cụ thể.